Laurence Aëgerter là một nghệ sĩ thị giác người Pháp. Cô rất quan tâm đến nhóm bệnh sa sút trí tuệ và mới đây đã đưa ra một bộ ảnh có hiệu quả hỗ trợ bất ngờ đối với các bệnh nhân này.
Theo CNN, một trong những bệnh nhân sa sút trí tuệ đầu tiên mà Laurence Aëgerter thử nghiệm đã bước vào giai đoạn cuối của bệnh. Khi được nữ nghệ sĩ cho xem vài bức tranh bình thường và yêu cầu nhận xét, ông lúng túng rất lâu, hầu như không nói trọn vẹn một câu nào.
Tuy nhiên, điều thần kỳ đã xảy ra khi Aëgerter đưa bệnh nhân ảnh chụp mèo lớn chơi với mèo con, một bức ảnh thuộc dự án "Liệu trình hình ảnh" mà cô xây dựng suốt ba năm. "Ông ấy có thể kể một câu chuyện suốt 5 phút liền. Hình ảnh đó đã làm trỗi dậy kỷ niệm và cảm xúc rất sâu đậm của ông. Vào lúc đó, ông ấy dường như là một người hoàn toàn bình thường", Aëgerter kể.
Dựa trên phương pháp can thiệp bằng hình ảnh, dự án trên nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi bị mất trí nhớ thông qua việc thảo luận, chia sẻ về một hình ảnh nào đó. Tháng 6 vừa qua, Aëgerter được trao giải thưởng Tác giả xuất sắc nhất, bởi Liên hoan Ảnh Quốc tế Recontres D'Arles.
Bên cạnh ý nghĩa nhân văn và hiệu quả, bộ ảnh của Aëgerter là lời cảnh tỉnh đến những gia đình có người thân bị sa sút trí tuệ. Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer, có tới 40% người sa sút trí tuệ bị trầm cảm nghiêm trọng. Aëgerter cho biết hầu hết bệnh nhân bị đối xử như trẻ sơ sinh nên càng chán nản và buồn bã.
Thống kê của Viện nghiên cứu quốc gia về Lão hóa tại Mỹ chỉ ra đa số người trên 85 tuổi đều mắc một số bệnh trong nhóm bệnh sa sút trí tuệ, phổ biến nhất là Alzheimer. Do mất trí nhớ ngắn hạn, người bệnh nhóm này thường chỉ nhớ được rõ ràng các kỷ niệm thời thơ ấu trong thời gian từ 15 đến 25 tuổi. Việc liên tục đưa ra những câu hỏi yêu cầu vận dụng trí nhớ sẽ khiến bệnh nhân khó trả lời, làm gia tăng mức độ căng thẳng của họ.
Trong khi đó, phần lớn người thân của bệnh nhân sa sút trí tuệ không biết giao tiếp với bệnh nhân như thế nào để tránh gây tổn thương cho họ. Vì vậy, hoạt động thảo luận về một bức ảnh có liên hệ với ký ức của bệnh nhân là một cách hữu hiệu để kết nối họ với gia đình.
Khi thực hiện bộ ảnh, Aëgerter nhận ra bệnh nhân sa sút trí tuệ thường thích các bức ảnh mà nhân vật chính cười tự nhiên hơn là tạo dáng. "Họ có thể vận dụng giác quan thứ sáu để nhanh chóng phân biệt thật giả", nữ nghệ sĩ tiết lộ.
Những bức ảnh của Aëgerter thường kết nối hai sự vật tưởng chừng không liên quan nhưng lại gây liên tưởng đến một câu chuyện thực tế mà đa số mọi người đều từng trải qua. Bộ ảnh hiện nay đã được đăng trên nhiều phương tiện như website, ứng dụng điện thoại... và cho phép tải miễn phí.
Ngọc Khuê