Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ đã chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về chuyện "bị gài bẫy" trong vụ Minh Béo bị bắt vì quấy rối tình dục.
Diễn viên hài Minh Béo bị bắt sau khi gặp gỡ và có hành vi dâm ô với một cảnh sát chìm giả làm cậu bé 14 tuổi. Cách làm của cảnh sát quận Cam có gì sai trái hay không? Tôi xin nêu lên quan điểm của mình dựa trên những thông tin đại chúng về vụ việc này, cũng như dựa trên luật của tiểu bang California.
Trước hết, việc cảnh sát giả làm người bình thường để giăng bẫy những kẻ bị cảnh sát tình nghi phạm tội không có gì là sai trái. Đây là công cụ hữu hiệu trong việc đấu tranh với tội phạm ở Mỹ. Các vụ dàn xếp của cảnh sát chìm rất phổ biến, nếu như có gì sai trái dưới luật của Mỹ hay của tiểu bang thì chắc chắn là cảnh sát đã không liên tục giăng lưới như vậy.
(Xem thêm: Cảnh sát Mỹ gài bẫy Minh Béo là đúng hay sai?)
Lời biện hộ phổ biến dành cho những nghi can bị bắt trong các vụ giăng lưới này là "bị gài bẫy" (entrapment). Trên thực tế, tội "có âm mưu dâm ô trẻ em" mà trong đó "trẻ em" là cảnh sát chìm là một trong những tội thường xuyên gặp lời biện hộ "bị gài bẫy". Đây cũng là một trong 3 tội mà Minh Béo bị khởi tố. Nếu như Minh Béo không nhận tội và ra tòa xét xử chính thức thì lời biện hộ này gần như chắc chắn sẽ được đưa ra.
Làm sao để có thể thành công trong lời biện hộ này? Theo luật ở California, nghi can đưa ra lời biện hộ này phải chứng minh là "bằng chứng cho thấy nghi can bị gài bẫy nặng hơn", tức là khoảng 51% là bị gài bẫy.
Để làm rõ việc bị gài bẫy, nghi can phải chứng minh rằng: Một, hành động gài bẫy là của cảnh sát (điều này rõ ràng). Hai, cảnh sát đã có hành động gài bẫy, tức là chèn ép, ép buộc, quấy rối, hay là lừa đảo nghi can trong khi đang tiến hành giăng bẫy. Các hành động như tạo cơ hội phạm tội, khởi xướng hành động phạm tội, hay là chỉ nói với nghi can là "không ai gài bẫy đâu" là những hành động không thuộc dạng gài bẫy.
Trong vụ việc của Minh Béo, để thành công trong lời biện hộ này, Minh Béo (thông qua luật sư) phải chứng minh một trong các điều sau đây: cảnh sát chèn ép (như hứa hẹn khoảng tiền lớn, lân la làm bạn thân rồi ép buộc), cảnh sát ép buộc (như hăm dọa rằng anh mà không gặp tôi thì tôi sẽ bắn anh), cảnh sát quấy rối (gọi điện thoại tới nơi làm việc liên tục đòi gặp), hay là lừa đảo (nói rằng chuyện này là bình thường, bảo đảm không phạm pháp đâu).
(Xem thêm: Cảnh sát Mỹ giả dạng trẻ em để giăng bẫy Minh Béo)
Với những gì chúng ta được biết thì không rõ là Minh Béo có khả năng thành công trong lời biện hộ "bị gài bẫy" hay không. Nhưng chắc chắn là Minh Béo gặp may, vì luật của California không xét tới việc nghi can "có khả năng phạm tội" hay không. Nghi can bị xem là "có khả năng phạm tội" nếu họ có quá khứ dính líu tới những tội tương tự như tội mà họ bị giăng lưới.
Quan điểm của giới lập pháp và tư pháp ở California: Quá khứ tội lỗi không phải là lý do để kết tội, bởi khi bị gài bẫy thì ai cũng có khả năng sập bẫy.
Lời biện hộ "bị gài bẫy" thật ra có khả năng thành công khá thấp. Phần vì cảnh sát chìm ở Mỹ đã được huấn luyện kỹ càng để không phạm phải sai lầm khi giăng bẫy. Phần vì bồi thẩm đoàn sẽ quyết định là nghi can có bị gài bẫy hay không - những quyết định này chỉ dựa trên cảm tính là nhiều. Chẳng hạn như, như thế nào là chèn ép? Hứa hẹn khoản tiền lớn là bao nhiêu? Một khoản tiền có thể lớn với một người nhưng lại là nhỏ với người khác.
(Xem thêm: Ngôi biệt thự đầy gỗ quý của Minh Béo giữa trung tâm Sài Gòn)
Một ví dụ thường được đưa ra là một người có quá khứ buôn bán ma túy. Anh ta ra tù, hoàn lương và đi làm được 5 năm. Cảnh sát chìm gọi điện hỏi mua ma túy, anh ta từ chối nhiều lần. Cảnh sát chìm lại gọi tới chỗ làm, đòi mua ma túy. Anh ta sợ sếp biết được thì sẽ bị sa thải, nên thu xếp cho cảnh sát chìm gặp gỡ và giới thiệu mối cũ để cảnh sát chìm mua ma túy.
Trong trường hợp đó, rõ ràng là cảnh sát "quấy rối", bởi bị từ chối hoài mà còn tới, lại đến chỗ làm quấy rối, khiến cho nghi can bị ép buộc quá đáng mới làm như vậy.
Để chứng minh một điều tương tự là khá khó cho Minh Béo, bởi anh sập bẫy khá nhanh và có lẽ cũng không có tiền hay bạn bè dụ dỗ gì ở đây cả. Khả năng cảnh sát hăm dọa lại càng ít, bởi cảnh sát hiếm khi nào lại phạm những sai lầm sơ đẳng như vậy.
Trong trường hợp của Minh Béo, vì sao cảnh sát lại giăng lưới? Có thể là cảnh sát muốn thử xem chắc chắn có như lời tố cáo của bị hại hay không. Cũng có thể là cảnh sát cần thêm bằng chứng để kết tội.
Ở Mỹ, cảnh sát sẽ tìm mọi cách để đưa ra các tội danh khởi tố, nếu không dính tội này thì dính tội khác. Còn luật sư biện hộ sẽ đưa ra tất cả những lời biện hộ mà họ có thể nghĩ ra, lời này mà không đúng thì lời kia chắc sẽ đúng. Đó là cách mà giới luật pháp ở Mỹ làm việc. Tôi không dám nói đúng hay sai, nhưng Mỹ là vậy.
Những khả năng vô tội của Minh Béo tùy thuộc phần nhiều vào những bằng chứng mà chúng ta chưa được xem. Vì vậy ngồi đoán kết quả lúc này cũng hơi giống thầy bói xem voi. Dẫu sao thì những ngày tháng tới sẽ còn dài với Minh Béo.
>> Xem thêm: Sức khỏe Minh Béo vẫn ổn nhưng tinh thần khá suy sụp trong trại tạm giam
Toà Mỹ sẽ xử vụ Minh Béo quấy rối tình dục như thế nào?
Các tội liên quan tới tình dục ở Mỹ bị xử rất nặng. Các tội tình dục liên quan tới trẻ em càng nặng hơn. |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.