Cách đây 5 đến 7 năm, HTC, Nokia hay BlackBerry... đều là những cái tên phổ biến trên thị trường điện thoại di động. Quý III/2011, Nokia vẫn hùng mạnh với thị phần đứng thứ ba sau Samsung và Apple, trong khi HTC chiếm tới 10%.
Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cả HTC, Nokia và BlackBerry đều “rơi rụng”, nhường chỗ cho các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi...
Tuy nhiên gần đây, Nokia đã trở lại sau khi về tay HMD Global, BlackBerry cũng có dấu hiệu hồi sinh sau khi bán mình cho TCL. Còn HTC vẫn ngày càng đi xuống.
Thành lập năm 1997, HTC từng là một công ty điện tử tiêu dùng và thời trang. Hãng thiết kế và sản xuất nhiều mẫu máy tính xách tay trước khi nhận ra tiềm năng phát triển của smartphone.
Sau một vài thử nghiệm với Windows Mobile, HTC mạnh dạn sử dụng nền tảng Android của Google vốn chưa được nhiều người biết tới. Mẫu HTC Dream, hay còn gọi T-Mobile G1 ra đời năm 2008, đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ của hệ điều hành di động sau này. Đến 2010, hãng tiếp tục thử sức với Evo 4G – tiên phong trong thời đại di động tốc độ cao ở Mỹ.
“HTC từng cái nhìn đáng kinh ngạc về sự đổi mới và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong mọi trường hợp”, một thành viên sáng lập của Liên minh Thiết bị cầm tay mở (Open Handset Alliance) đã nhận xét.
2011 là năm đỉnh cao của HTC với vị trí thứ tư thị trường, nhưng chỉ cuối năm sau (2012), công ty chỉ còn đứng thứ 7/10 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Trớ trêu thay, chính sự liều lĩnh mang đến thành công cho công ty, cũng là con dao giết chết họ sau đó.
Qua từng thiết bị, dường như họ càng lún sâu vào bế tắc. Evo 3D với camera có thể ghi hình ảnh 3 chiều chỉ là mánh lới quảng cáo thay vì sản phẩm đột phá, ChaCha ít tính năng và mang tiếng sao chép thiết kế của điện thoại BlackBerry, chiếc điện thoại Facebook - First - ra đời năm 2013 cũng thất bại khi doanh số bán ra thấp kỷ lục, chỉ 15.000 máy.
Đến dòng One, HTC đã làm tốt hơn khi máy có thiết kế đẹp, nhiều tính năng. Nhưng vì “tiếng xấu” của các sản phẩm trước đó, thị trường gần như đã mất niềm tin vào công ty Đài Loan. Để rồi dù điên cuồng chi tiền cho quảng cáo, marketing, thậm chí bỏ hàng triệu USD cho “Iron Man” Robert Downey Jr., HTC vẫn tiếp tục đi xuống.
Hiện tại, công ty bên bờ vực phá sản khi tiếp tục làm ăn thua lỗ. Trong báo cáo tài chính mới nhất (tháng 7/2018), doanh thu hợp nhất của HTC đạt 45,7 triệu USD, giảm 37,23% so với tháng trước và giảm tới 77,41% so với tháng 7/2017. Đây là kết quả tệ nhất kể từ tháng 8/2003. Trong khi đó, doanh thu quý II/2018 của hãng đạt 222,2 triệu USD, lỗ ròng 68,3 triệu USD. Tổng doanh thu nửa đầu 2018 đạt 544,6 triệu USD, thấp hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Câu khả lời là hoàn toàn có khả năng. Cách đây 3 đến 4 năm, điểm xuất phát của Huawei rất thấp, nhưng hiện tại hãng đã đứng đầu Trung Quốc nhiều năm liền, đã vượt qua Apple và đe dọa vị thế dẫn đầu của Samsung trên thế giới. Hay Xiaomi có thời kỳ phát triển ban đầu rực rỡ, nhưng sau đó chùng xuống, trước khi bùng nổ trở lại nhờ thay đổi chiến lược để thích nghi với thị trường.
Nokia và BlackBerry đều hồi sinh với những thiết bị hoài cổ và có sự đặc trưng
Một ví dụ khác là Nokia. Đã có lúc thương hiệu này tưởng chừng bị lãng quên, nhưng được hồi sinh thần kỳ dưới tay của HMD Global. Bên cạnh các sản phẩm mới, Nokia rất biết tận dụng các fan trung thành bằng sự hoài cổ, như làm mới Nokia 3310 (2017) hay “quả chuối” Nokia 8110 4G.
Trong khi đó, BlackBerry dưới thời TCL cũng có dấu hiệu tích cực với các mẫu Android. Chiếc BlackBerry KeyOne và sau đó là Key2 nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng. Sắp tới đây, TCL cũng sẽ "hồi sinh" Palm - một thương hiệu đình đám khác trong quá khứ.
HTC đã làm mọi cách để có thể giữ công ty, như sa thải nhân viên hay thậm chí bán một số tài sản, sở hữu trí tuệ... Nhưng có một điều hãng chưa làm là đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt, như việc thỏa thuận cấp phép thương hiệu mà Nokia đã làm với HMD Global hay BlackBerry với TCL.
Rõ ràng, những T-Mobile G1, Evo 4G hay One (M7) vẫn được nhiều người nhớ đến. Do đó, Phonearena cho rằng cách tốt nhất mà HTC có thể làm lúc này là lựa chọn những tên tuổi có tham vọng như HMD Global – công ty luôn sẵn sàng thử và muốn lưu dấu ấn trên thị trường smartphone, hay một TCL nhiều kinh nghiệm trong việc dần dần xây dựng sự công nhận thương hiệu và bán lẻ trên toàn cầu. Ngoài ra, bắt tay với chính Google cũng có thể mang lại điều tươi mới, thay vì ngồi “chờ chết” như hiện tại.
Bảo Lâm