Việc vợ cũ có ý định đưa con trai ra nước ngoài định cư thì không những phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi xuất cảnh mà còn phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại khi nhập cảnh.
1. Đối với pháp luật Việt Nam.
Điều 33 Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định:
1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Khoản 2 Điều 83 Luật này còn quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, có thể thấy việc đưa con ra nước ngoài định cư (ở lâu dài) đã xâm phạm đến quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người không trực tiếp nuôi con. Hơn nữa, việc vợ cũ của bạn cho rằng bạn muốn thăm lúc nào thì bay sang gặp là điều phi thực tế bởi việc sang thăm con ở nước ngoài hoàn toàn khác với việc tới thăm con ở trong nước.
Việc ra nước ngoài thăm con tốn kém rất nhiều chi phí như mua vé máy bay, thuê khách sạn ở nước ngoài để ăn ở trong khoảng thời gian thăm con (nếu như vợ cũ không bố trí chỗ ăn ở), phải lên kế hoạch, sắp xếp thời gian, công việc trước khi đi thăm con (phải xin nghỉ phép), tốn công sức đi xin thị thực (visa), ảnh hưởng đến việc làm và các mối quan hệ gia đình, xã hội ở trong nước (phải chăm sóc cha, mẹ già ốm)...
Hơn nữa, dù mọi điều kiện nói trên đều đáp ứng được thì vẫn còn phụ thuộc đại sứ quán có cấp visa nữa hay không. Một số trường hợp bị từ chối cấp visa mà không rõ nguyên nhân (thông lệ quốc tế thì đại sứ quán không phải giải thích lý do từ chối cấp visa) dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian, chi phí (thường là phải mua vé máy bay trước khi nộp hồ sơ xin visa).
Ngoài ra, việc đưa con ra nước ngoài định cư lâu dài chắc chắn ảnh hưởng đến mối quan hệ, sự gần gũi, chia sẻ giữa cha (hoặc mẹ) ở trong nước với đứa trẻ.
Trường hợp vợ cũ của bạn vẫn quyết tâm đưa con ra nước ngoài định cư thì bạn có thể xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trường hợp khi có yêu cầu của cha, mẹ thì tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Với quy định nói trên, bạn có thể làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con từ vợ cũ sang cho bạn. Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ để quyết định việc có thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không.
Trường hợp đơn của bạn được chấp nhận thì đương nhiên vợ cũ không thể đưa con ra nước ngoài định cư. Trường hợp đơn của bạn không được chấp nhận thì điều này cũng không có nghĩa vợ cũ của bạn được mang con bạn ra nước ngoài định cư mà vẫn phải tuân thủ các quy định tại Điều 82, 83 Luật Hôn nhân và gia đình nói trên cũng như pháp luật về di trú của nước xin định cư.
2. Đối với pháp luật nước nhập cảnh
Pháp luật mỗi nước quy định vấn đề cấp visa cho công dân nước ngoài chưa thành niên (thường là dưới 18 tuổi) đi cùng với cha hoặc mẹ là khác nhau. Do vậy, người có nhu cầu xin visa cần liên hệ với đại sứ quán (hoặc lãnh sự quán) của nước đó để tìm hiểu cụ thể.
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều nước khi thực hiện thủ tục cấp visa cho công dân nước ngoài dưới 18 tuổi đi cùng với cha hoặc mẹ đều đòi hỏi phải có sự đồng ý bằng văn bản của người còn lại. Văn bản này còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (thường là cơ quan công chứng) của nước sở tại. Các giấy tờ này sau đó cũng phải được dịch ra tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước xin nhập cảnh và tiếp đó phải xin chứng nhận lãnh sự trước khi nộp cho đại sứ quán xin visa.
Như vậy, với các quy định nói trên thì có thể thấy, việc vợ cũ muốn đưa con bạn ra nước ngoài định cư cần có sự đồng ý của bạn bằng văn bản. Nếu bạn không đồng ý thì vợ cũ gần như không thể đưa con ra nước ngoài định cư.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội