Trận đánh diễn ra đêm 4/2/1945, sau hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, của đội quân vừa thành lập được 44 ngày.
Theo cuốn Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đại đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chia làm ba tổ tiến sát chân đồn Đồng Mu. Tiểu đội trưởng Xuân Trường dẫn đầu một tổ. Theo kế hoạch, các mũi đột nhập chiếm sở chỉ huy, rồi cùng nội ứng tiêu diệt lính trong đồn. Đêm tháng Chạp rét căm, còn một tuần nữa là Tết Ất Dậu. Tin từ nội ứng, trong đồn có ba chỉ huy người Pháp, 40 lính khố xanh trấn giữ.
Đồn nằm trên đồi cao, giữa cánh đồng thôn Nà Đoỏng, xã Ân Quang của châu Bảo Lạc. Cách đường biên vài km, đề phòng thổ phỉ bên Trung Quốc quấy nhiễu, người Pháp cho xây công sự kiên cố, tường dày có lỗ châu mai, giao thông hào, dây thép gai bao bọc. Đồng Mu "rắn" hơn Phai Khắt, Nà Ngần cả về công sự lẫn hỏa lực. Ít ngày trước, đồn trưởng người Pháp nhận tin sắp có phỉ tràn sang, tăng lực lượng canh gác. Mấy ngày không thấy bóng phỉ, chúng cho là hoang báo, liền chểnh mảng. Không thể cải trang đột nhập như những trận trước, đội quyết định hành động trong đêm.
Những năm ấy, Cao Bằng như một kho thuốc súng sắp nổ khi phong trào cách mạng dâng cao. Quân Pháp lập thêm đồn bốt ở Cao – Bắc – Lạng, tìm diệt cán bộ, chặn đường "Nam tiến" của phong trào. Trấn giữ được Đồng Mu, người Pháp kiểm soát toàn vùng Bảo Lạc, Thông Nông, cắt đứt liên lạc sang "thủ phủ cách mạng" Sóc Hà của huyện Hà Quảng, đường xuống Pác Lung đi Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn. Diệt được đồn, giải phóng quân gây được thanh thế, đánh lạc hướng khiến Pháp nhầm tưởng đội hoạt động ở cả phía nam Nguyên Bình lẫn biên giới Việt - Trung.
Gần 23h, hai tổ xung phong vượt qua hàng rào thép gai, đến sân đồn trước cửa trại lính. Một tổ đang đột nhập bị phát hiện. Lính khố xanh lập tức ném lựu đạn và bắn ra. Xuân Trường dẫn một tốp trèo qua cửa sổ, diệt hai lính gác. Khẩu tiểu liên hết đạn, anh chuyển sang dùng kiếm ngắn tiếp cận sở chỉ huy. Quân lính lui vào trong cố thủ. Một viên đạn bay xuyên qua ngực, Xuân Trường gục xuống. Những người còn lại vẫn xông lên.
Trận đánh đồn Đồng Mu kéo dài ba tiếng, từ đêm mùng 4 đến rạng sáng ngày 5/2. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân diệt được 20 lính, bắt 3 tù binh, thu 5 khẩu súng trường Mousqueton. Phía quân giải phóng, tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh.
Trận đánh không diễn ra như "kế hoạch đã định". Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký Những chặng đường lịch sử cho hay sau khai thác tù binh mới biết, buổi trưa hôm tập kích, đồn trưởng người Pháp bắt được lá thư của thổ phỉ biên giới dọa tối ấy sẽ kéo đến hạ đồn. Quân Pháp báo động binh lính đối phó; thức đề phòng, không cho bất kỳ ai ra vào. Nội ứng không thể báo tin ra ngoài.
Đồng đội chôn cất Xuân Trường ở cánh đồng dưới chân đồn Đồng Mu. Sau này, hài cốt được đưa về nghĩa trang huyện Bảo Lạc, rồi một lần nữa chuyển về quê nhà xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Liệt sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mất lúc 35 tuổi, chưa có gia đình và không để lại một bức di ảnh trên đời.
Năm 1936, phong trào thanh niên phản đế lên cao ở vùng Cao - Bắc - Lạng. Anh thanh niên Hoàng Văn Nhủng 26 tuổi, người dân tộc Tày ở xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, châu Hà Quảng thoát ly gia đình đi cách mạng, trở thành liên lạc viên với bí danh Xuân Trường. Giữa năm 1940, Xuân Trường được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc và trở về nước bốn năm sau. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, Xuân Trường cùng 33 đội viên khác làm lễ tuyên thệ dưới cờ trong lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những ghi chép về người liệt sĩ đầu tiên của quân đội rất ít. Trên bia danh sách đội viên ở khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, ghi tên Hoàng Văn Nhủng, bí danh Xuân Trường ở vị trí thứ 25. Tấm bằng Tổ quốc ghi công Chính phủ cấp năm 1961, công nhận ông là liệt sĩ.
Xã Ân Quang sau trận đánh đồn Đồng Mu trở thành vùng đất Việt Minh quản lý. Sau đổi tên thành Xuân Trường để tri ân liệt sĩ. Từ rừng Trần Hưng Đạo, nơi ra đời của đội quân đầu tiên đến đồn Đồng Mu hơn 100 km, đi mất nửa ngày, vượt qua loạt dốc uốn mười mấy tầng. Khác với Xuân Trường của Nam Định sung túc, Xuân Trường của Cao Bằng toàn núi đá, sương mây, rét buốt.
75 năm trôi qua, những người già trong thôn Nà Đoỏng không còn biết nhiều về trận đánh diệt đồn Pháp. Đồng Mu trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995. Đường lên di tích đi qua một cánh đồng, giữa rừng cây sau sau lá biếc. Công trình được tôn tạo, xây mới nhà bia tưởng niệm năm 2014. Quanh bia đá có hàng chục nấm mồ gió được người dân đắp tượng trưng cho liệt sĩ các thời kỳ kháng chiến.
Trước khi tu sửa, nơi ấy chỉ là gò đất cao có tấm bia cũ khắc ghi "Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Nhủng, tức Xuân Trường đã hy sinh trong trận chiến diệt đồn Đồng Mu, đêm 4/2/1945. Đồng chí là người hy sinh đầu tiên sau ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân".
Thái Mạc