Ngày 26/9, bác sĩ Vi Thị Thùy Dung, Trung tâm Y tế Cẩm Khê, cho biết chỉ số đường huyết của bệnh nhân tăng gấp 5 lần so với bình thường, trung bình 14,6% trong khi bình thường 4,2-6,8%. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc đái tháo đường, cần điều trị đưa đường huyết về chỉ số an toàn.
Bệnh nhân không có tiền sử mắc bệnh. Bác sĩ tư vấn chế độ dùng thuốc, ăn uống, sinh hoạt để kiểm soát đường huyết và hạn chế biến chứng.
Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, xu hướng tăng nhanh chóng. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường cũng đang gia tăng nhanh. Theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong số người trưởng thành tuổi 30-69, tỷ lệ đái tháo đường từ 5,4% năm 2012 lên 7,3% vào năm 2020. Bệnh không chỉ xuất hiện ở đô thị mà còn khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng, gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Bộ Y tế ước tính khoảng 7 triệu người Việt mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% gặp biến chứng gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng làm tăng chi phí y tế điều trị, giảm chất lượng cuộc sống.
Theo bác sĩ Dung, bệnh nhân mắc đái tháo đường ăn uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh do cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả khiến đường trong máu tăng cao. Lượng đường này lại không được vận chuyển đến tế bào để duy trì hoạt động nên cơ thể lấy năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy từ trước. Thiếu năng lượng khiến người bị tiểu đường luôn cảm thấy đói và thèm ăn, trong khi cân nặng giảm. Người bệnh còn cảm thấy khát nước do đường trong máu tăng cao khiến thận tăng cường hoạt động để thải đường ra ngoài kèm lượng nước tiểu đáng kể.
"Tiểu nhiều lần và mất nhiều nước khiến cơ thể luôn cảm thấy khát đòi hỏi uống nhiều hơn", bác sĩ nói.
Để phòng bệnh cần có lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, vận động thể lực hàng ngày và áp dụng các biện pháp y tế sớm để giảm thiểu, loại trừ yếu tố nguy cơ từ sớm. Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh và tình trạng tiền đái tháo đường nếu có.
Thùy An