Ôm con cá mập mới câu được, ngư dân Nguyễn Hữu Lợi ở phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, cho biết đó là cá mập sọc trắng đực, nặng 6,5 kg, dài 0,9 m, chu vi bụng 45 cm. Đây là con cá mập thứ sáu bị bắt ở vùng biển Quy Nhơn tính từ cuối năm 2009 đến nay.
Ngư dân Nguyễn Hữu Lợi ôm con cá mập bắt được rạng sáng nay. Ảnh: Trí Tín |
Nói về việc săn loài cá dữ này, ông Lê Văn Ba ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, ngư dân có hàng chục năm hành nghề câu cá mập cho biết, luồng cá mập gần bờ thường sinh sống dưới đáy biển, ít nổi lên mặt nước hoặc lưng chừng. Mồi câu xuống lưng chừng bị sóng biển đánh vờn qua vờn lại, cộng thêm mùi tanh khiến cá ngói lên ăn và bị dính câu. Mỗi chuyến đi săn cá mập ít nhất mất 10 ngày.
Sau quãng thời gian dài biệt tăm, từ cuối năm 2009 đến nay, loài cá mập xuất hiện ở vùng biển gần bờ và liên tục tấn công nhiều người tắm biển Quy Nhơn. Từ tháng 8/2010, Viện Hải dương học Nha Trang bắt đầu các chuyến đi khảo sát cá mập phục vụ đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học hiện tượng cá dữ tấn công người tắm biển ven bờ Quy Nhơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa”.
Con cá mập sọc trắng vừa dính câu sáng nay ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Trí Tín. |
Hiện các nhà khoa học tiếp tục khảo sát, phân tích để xác định nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá mập (cả cá mẹ và cá con) xuất hiện nhiều trên biển Quy Nhơn.
Ông Võ Văn Quang, Phó trưởng phòng Nguồn lợi Động vật sinh sống biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, để thực hiện đề tài khoa học này phải tham vấn nhiều nơi, tìm nhiều người có kinh nghiệm trên tinh thần tự nguyện và thành lập 6 nhóm phụ trách (thăm khám cộng đồng, khảo sát, đánh bắt cá dữ, nghiên cứu địa hình biển…), tiến hành 7 chuyến khảo sát trên vùng biển Quy Nhơn.
Trước đó đêm 11/7, ở vùng biển giữa Hòn Ngang và Hòn Khô thuộc vùng biển Quy Nhơn, đoàn khảo sát gồm hai cán bộ của Viện Hải dương học Nha Trang và bốn ngư dân ở Bình Định đã câu được một con cá mập sọc trắng nặng 37,5 kg, dài 178 cm, vòm miệng rộng 16,5 cm, được xác định là giống cái.
Trí Tín