Hôm qua, Chủ tịch Nissan Motors - Carlos Ghosn đã bị Văn phòng Công tố Tokyo bắt giữ vì cáo buộc kê khai không đầy đủ thu nhập với khoản tiền lên tới 5 tỷ yen (44 triệu USD). Ghosn là động lực đằng sau liên minh 3 hãng xe - Renault, Nissan Motor và Mitsubishi Motors. Việc này sẽ khiến họ phải tìm cách duy trì thỏa thuận giữa 3 bên khi không còn sự hiện diện của ông.
"Chúng tôi đang nỗ lực đảm bảo sự hợp tác của 3 công ty không bị ảnh hưởng", CEO Nissan - Hiroto Saikawa cho biết trong một cuộc họp báo tối qua. Mitsubishi Motors hôm qua thông báo kế hoạch sa thải Ghosn khỏi chức chủ tịch. Còn Renault cũng sẽ tổ chức một cuộc họp cổ đông để tìm ra hướng xử lý với ông.
Thông báo hôm qua của hãng xe Pháp này cho biết ban lãnh đạo Renault "đã biết nội dung thông cáo của Nissan" và đang chờ thông tin chính xác từ Carlos Ghosn. Họ cũng bày tỏ mong muốn "bảo vệ quyền lợi của Renault trong liên minh".
Ghosn gia nhập Renault năm 1996 và là người có công giúp hãng này chuyển lỗ thành lãi nhờ chính sách cắt giảm chi phí mạnh tay. 3 năm sau, Ghosn đảm nhiệm vai trò CEO Nissan trong bối cảnh hãng xe này đang đứng bên bờ vực phá sản. Liên minh Renault - Nissan cũng ra đời.
Tháng 4/2016, CEO Mitsubishi Motors - Osamu Masuko đề nghị Ghosn hỗ trợ hồi sinh hãng xe sau bê bối nhiên liệu. Ông quyết định thâu tóm 34% cổ phần Mitsubishi Motors để trở thành cổ đông lớn nhất. Sau thương vụ trên, Mitsubishi Motors cũng chính thức gia nhập liên minh Renault – Nissan. Cuối năm 2016, Ghosn được bầu làm Chủ tịch Mitsubishi Motors.
Dù vậy, khi không công ty nào nắm cổ phần lớn của nhau, liên minh này được đánh giá thiếu chắc chắn. Chính phủ Pháp luôn muốn tăng vị thế của Renault. Điều này thể hiện qua việc họ chấp thuận tái bổ nhiệm Ghosn vào vị trí CEO cho đến hết tháng 6/2022 với điều kiện ông thiết lập bộ khung không thể đảo ngược cho sự hợp tác này.
Tuy nhiên, việc Renault nhận nhiều lợi nhuận từ Nissan lại khiến hãng xe Nhật không hài lòng. Nissan đóng góp khoảng nửa lợi nhuận ròng cho hãng xe Pháp năm 2017 và hơn 50% trong vài năm qua.
"Họ có thể còn nhiều bất đồng nữa về chiến lược. Sự xáo trộn về quyền lực lần này có nguy cơ trầm trọng hơn tại cả 3 công ty", Takaki Nakanishi tại Viện nghiên cứu Nakanishi nhận xét, "Ghosn là mấu chốt giúp liên minh thành lập. Các cuộc thảo luận về tái cấu trúc có thể đẩy mọi thứ vào hỗn loạn do nền tảng đã sụp đổ".
Ba hãng xe dự kiến bán 14 triệu chiếc năm 2022, tăng 40% so với hiện tại. Lợi ích tài chính của liên minh cũng được dự báo tăng gấp đôi lên 10 tỷ euro (11,5 tỷ USD) mỗi năm, theo chiến lược trung hạn của ba hãng. Vì thế, việc bắt giữ nhà sáng lập kiêm kiến trúc sư trưởng chắc chắn có ảnh hưởng lên các kế hoạch này.
Liên minh này được gây dựng dựa trên bộ khung khá kỳ lạ. Trụ sở quốc tế của họ nằm tại Amsterdam (Hà Lan). Đây là nơi đặt Renault-Nissan B.V (RNBV) - liên doanh do mỗi hãng xe góp vốn 50%. RNBV có nhiệm vụ phác thảo chiến lược trung đến dài hạn cho liên minh, và quyết định việc phân phối nguồn lực giữa 3 công ty. Ghosn là Chủ tịch kiêm CEO
"Ghosn đã thâu tóm quyền lực cho bản thân và tạo ra một bộ khung quản lý liên minh mà không thể hoạt động nếu thiếu ông ấy", một lãnh đạo lâu năm tại Nissan cho biết. Saikawa hôm qua cũng nhận xét "quá nhiều quyền lực đang tập trung về một người".
Nissan và Renault từ lâu đã chơi trò kéo co quyền lực. Chính phủ Pháp - cổ đông hàng đầu của Renault muốn có quyền phủ quyết tại cả hai hãng xe, thông qua việc đưa ra luật Florange năm 2015. Luật này cho phép tăng gấp đôi quyền biểu quyết với các cổ phiếu đã được nắm giữ hơn 2 năm. Chỉ sau khi trải qua các cuộc thảo luận căng thẳng và cả đe dọa, Paris mới đồng ý không can thiệp vào các quyết định quản trị của Nissan.
Ghosn đã nỗ lực củng cố sự hợp tác trong khi vẫn duy trì sự độc lập của mỗi công ty. Vì thế, nếu vị trí lãnh đạo bị thay đổi, cấu trúc này có thể không còn. Ở thời điểm duy trì liên minh là điều cần thiết để ứng phó với các thay đổi nhanh chóng trong ngành ô tô, như sự xuất hiện của xe tự lái và xe điện, bộ ba sẽ phải tìm cách tồn tại và hoạt động mà không có lãnh đạo.
Hà Thu (theo Nikkei)