"Các tỉnh Tây Bắc, ở đâu cũng có khoáng sản nhưng lại tập trung nhỏ lẻ, nếu không có cơ chế liên kết thì không khai thác được. Vì vậy, các đồng chí hãy trải lòng ra hết, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt nhất”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại hội nghị giao ban giữa 3 vùng kinh tế chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được tổ chức ở TP HCM sáng 14/9.
Theo ông Trần Hồng Quang, Viện phó Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, từ năm 2004 Thủ tướng đã thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; ban hành quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm.
Tuy nhiên, sau 10 năm thành lập, đến nay sự phối hợp các địa phương còn mang tính hình thức, thiếu các cơ chế hiệu quả để tạo sự liên kết.
“Các địa phương vì nhiệm vụ tăng trưởng nên cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Nhiều địa phương vẫn muốn duy trì cơ cấu sản xuất toàn diện và khép kín”, ông Quang đánh giá.
Một nguyên nhân nữa mà vị Viện phó chỉ ra là tổ chức, hoạt động của các ban chỉ đạo chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết, điều phối phát triển vùng. Chẳng hạn như ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ hiện kết hợp các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh với nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Chưa xác định cụ thể nội dung, phương pháp phối hợp giữa các ban với các địa phương trên địa bàn và với các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, hiệu lực của công tác điều phối tại các vùng kinh tế trọng điểm chưa cao. Các tổ chức điều phối không nắm nguồn lực, không có quyền quyết định đầu tư, phát triển mà chỉ có trách nhiệm tư vấn cũng là nguyên nhân khiến sự liên kết của vùng kinh tế chưa hiệu quả.
Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả liên kết giữa các địa phương, ông Quang đề nghị cần phải xem xét lại cơ chế phân cấp giữa Trung ương và địa phương và chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Đồng thời, kiện toàn nhân lực của các ban chỉ đạo và đổi mới quy chế phối hợp.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng "đây là vấn đề bức thiết" vì hiện nay mô hình liên kết kinh tế cấp tỉnh là chính, liên kết vùng còn rất yếu. Tuy nhiên, khi xây dựng chương trình cần phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các nước cũng như quy hoạch của từng ngành. Đồng thời, các ban chỉ đạo phải thực sự là những người nhạc trưởng để điều hành cả vùng. “Về phương thức liên kết vẫn phải bám vào mô hình ‘4 nhà’ là nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông”, ông Huệ nêu quan điểm.
Trong khi đó, Phó thủ tướngng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, liên kết vùng sẽ phải có một số nội dung bắt buộc là liên kết giữa các tỉnh, các vùng, thậm chí là các nước. “Hiện nhiều địa phương đã ký kết các chương trình tự liên kết rất mạnh, nhưng có vấn đề không thể tự liên kết như xử lý môi trường sông Đồng Nai, sông Cầu… Vì vậy, nội dung liên kết vùng cần đề ra trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, nông dân, xử lý môi trường”, Phó thủ tướng nói.
Hữu Công