- Tình hình tiêu thụ nông sản bị tắc nghẽn do ảnh hưởng của giãn cách xã hội ở các địa phương đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thành lập Tổ công tác ở miền Nam và miền Bắc. Từ đó, tổ đã phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, với đại diện các bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý những ách tắc, vướng mắc trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... của nông dân và doanh nghiệp.
Đến nay, nhiều địa phương hình thành được các "đầu mối cung ứng nông sản", đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, trước dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và sự vận dụng, triển khai các quy định còn khác nhau giữa các địa phương, tình hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ ở một số ngành hàng nông sản vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng như khoai lang trên ruộng đồng đã quá hạn thu hoạch, cá tra, lúa chưa tìm được nguồn thu mua do "đứt gãy" khâu phân phối, vận chuyển. Tình hình chung có cải thiện được phần nào, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh lan nhanh trên không gian rộng.
- Việc tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ra sao?
- Tình hình lúa gạo ở miền Tây bắt đầu có khởi sắc, song việc dao động giá lúa liên tục là khó tránh khỏi. Sau khi tăng từ 300 đến 500 đồng một kg, giá lúa ghi nhận được ở một vài nơi và ở vài thời điểm, đang giảm nhẹ cục bộ.
Nguyên nhân là do thiếu thương lái thu mua, trong khi nhu cầu mua lúa của doanh nghiệp chưa được đáp ứng tốt vì hạn chế trong việc di chuyển, vận chuyển... Một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn nhưng vẫn đang cố gắng duy trì sản xuất, để bảo đảm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Các vùng sản xuất lúa trong hợp tác xã, có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi thì ít bị ảnh hưởng hơn, nhờ sự hỗ trợ, phối hợp, tập trung vào các đầu mối liên quan. Điều này cho thấy, bên cạnh các quyền lợi, việc tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, có thể giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại, chia sẻ rủi ro trong các điều kiện, hoàn cảnh bất thường xảy ra.
Bộ Công thương đề xuất Chính phủ nghiên cứu mở luồng xanh vận chuyển gạo bằng đường thủy khi 95% lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long qua "kênh" này. Vận chuyển gạo bằng đường thủy có thể giúp giảm bớt áp lực lưu thông, hỗ trợ duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo từ ruộng đồng đến các nhà máy chế biến và các điểm phân phối, tiêu thụ, với điều kiện người lái tàu, người tham gia vận chuyển... bảo đảm chặt chẽ các tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thí điểm gói combo 10 kg một túi nông sản với giá 100.000-200.000 đồng, được nhiều tỉnh, thành tham gia. Ông đánh giá như thế nào về chương trình này?
- Đây là sáng kiến hay của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo. Hiện, điều này đóng góp vào việc hỗ trợ phân phối, tiêu thụ nông sản ở các địa phương về TP HCM, giúp người dân vừa tiếp cận được gói nông sản với chi phí phù hợp, chất lượng bảo đảm, vừa giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhìn xa hơn, gói "combo" có thể là một gợi ý, một tín hiệu, một chỉ dấu từ thị trường, khuyến khích người sản xuất chủ động hợp tác để đáp ứng nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng, của thị trường.
Ví dụ, với túi nông sản 10 kg gồm 5 loại nông sản, người sản xuất mỗi mặt hàng nông sản có thể "bắt tay" với nhau, mạnh dạn tìm đến, tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, để tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ, hạn chế tình trạng bị động, "mù mờ" thông tin.
Hơn hết, đây là bước đầu để tạo dựng nền tảng "kinh tế nông thôn" bền vững, phát triển năng lực cộng đồng dân cư nông thôn, thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh được tổ chức hợp tác, liên kết bài bản, gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, chuẩn mực của thị trường.
Sắp tới, trên cơ sở theo dõi, nắm bắt sâu sát tình hình thực tế, các tổ công tác của Bộ sẽ tiếp tục cập nhật, tổng hợp thông tin, tích cực trao đổi với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan, để kịp thời đề xuất, triển khai giải pháp hiệu quả, khả thi, đồng bộ.
Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ sớm giới thiệu "Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản". Bên cạnh việc góp phần hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương đang chịu ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh, diễn đàn hướng đến nhiều mục tiêu mang tính dài hạn như: xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thông tin thị trường... Từ đó, Bộ sẽ tổng hợp dữ liệu thông tin phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản.
Chúng tôi khuyến khích xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, an toàn nông sản, hướng đến tổ chức liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị... Đây là cũng là những khởi động triển khai chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp.
- Theo ông, nông dân cần làm gì trong sản xuất, tiêu thụ mùa vụ sắp tới?
- Tôi mong muốn gửi gắm đến bà con nông dân: chúng ta phải cùng nhau thay đổi. Điểm nghẽn của một nền sản xuất "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" cần được vượt qua dựa trên tinh thần "liên kết - hợp tác", đáp ứng các nhu cầu, chuẩn mực của thị trường.
Việc tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ với các doanh nghiệp có thể giúp giảm thiểu các rủi ro mùa vụ. Bên cạnh vai trò hoạch định chính sách, tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng sự dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp, chính nông dân là người trực tiếp sản xuất ra nông sản an toàn, chất lượng, trách nhiệm để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, của người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong lúc giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng, song song với vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước, bà con cần áp dụng các hình thức tiết giảm đầu vào hiệu quả như khuyến nghị của cơ quan chức năng, tránh tình trạng lạm dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nhiều nơi, nông dân đã giảm được chi phí nhờ mạnh dạn thay đổi, tối ưu hóa cách thức sản xuất.
Ngọc Tài