Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho hay nếu các bên liên quan yêu cầu, Tổng thư ký Ban sẽ đứng ra hòa giải.
Theo ông Dujarric, ông Ban hy vọng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từng bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa trong hành động.
Trung Quốc đầu tháng 5 hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nước này còn triển khai nhiều máy bay và tàu, trong đó có tàu quân sự, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng, uy hiếp các tàu chấp pháp và tàu cá Việt Nam gần khu vực này.
Trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam đã ba lần gửi công hàm tới Tổng thư ký Ban Ki-moon và đại diện các nước, các tổ chức quốc tế để phản đối, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hôm 9/6, Trung Quốc cũng gửi thư kèm công hàm lên Tổng thư ký Ban Ki-moon, trong đó vu khống Việt Nam xâm phạm chủ quyền và ngăn cản hoạt động của giàn khoan 981.
Ông Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đã bác bỏ các tài liệu của Trung Quốc, khẳng định chúng không có cơ sở pháp lý quốc tế.
Giới chuyên gia nhận xét động thái quốc tế hóa bất ngờ của Trung Quốc phản ánh mối quan ngại trước việc các nước láng giềng sử dụng luật quốc tế để đối phó với Trung Quốc.
Anh Ngọc