Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet hôm qua cho biết bà muốn xác minh "các báo cáo đáng lo ngại" mà tổ chức nhận được về "trại cải huấn" ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, nơi được cho là giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, CNN đưa tin.
Một số người tuyên bố họ từng là tù nhân tại các trại này, bị tra tấn và ép phải học các khẩu hiệu và quy tắc. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định họ lập ra các "trung tâm đào tạo nghề tự nguyện" nhằm ngăn chặn xu hướng cực đoan trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.
Bachelet cho biết Liên Hợp Quốc đã đề nghị hỗ trợ kỹ thuật để đối phó với chủ nghĩa bạo lực cực đoan. "Chúng tôi muốn đối thoại nghiêm túc với Trung Quốc về vấn đề khẩn cấp này", bà nói thêm.
Đề nghị của bà Bachelet đưa ra một ngày sau khi Barbel Kofler, Ủy viên phụ trách chính sách nhân quyền của Đức, cho biết bà bị từ chối tới thăm các trại ở Tân Cương trong chuyến công du Trung Quốc.
"Tôi bị sốc trước các báo cáo về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ. Tôi muốn trực tiếp chứng kiến tình hình tại đó và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc cho phép vào Tân Cương", bà Kofler hôm 4/12 cho hay.
Tại một phiên điều trần của Liên Hợp Quốc về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc hồi tháng 11, hơn 10 quốc gia đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc "giam giữ tùy ý" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuy nhiên, Trung Quốc nhấn mạnh chất lượng cuộc sống tại đất nước đã tăng đáng kể trong vòng 40 năm qua.
Trung Quốc từ lâu cho rằng khu vực Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ phiến quân Hồi giáo và những phần tử cực đoan, đồng thời bác bỏ các báo cáo về hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, sau những phủ nhận ban đầu, nước này cho biết một lượng nhỏ người phạm tội đã được gửi đến các "trung tâm đào tạo nghề", nơi họ được dạy nghề và kiến thức pháp lý. Quan chức Tân Cương nói rằng những người này cảm thấy "cuộc sống tươi đẹp hơn" sau khi tới đây.
Ánh Ngọc