"Chúng ta cần sự lãnh đạo quốc tế mạnh mẽ để theo dõi những phát hiện của Ủy ban Điều tra. Do đó, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, phù hợp với các khuyến nghị của báo cáo, sử dụng mọi cơ chế có thể để đảm bảo trách nhiệm giải trình, bao gồm cả đưa sự việc ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC)", bà Navi Pillay, cao ủy về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, phát biểu hôm qua tại Geneva.
Trước đó, Ủy ban Triều Tiên thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, hôm 17/2 đưa ra báo cáo nhận định giới lãnh đạo Triều Tiên "vi phạm nhân quyền với hàng loạt tội ác chống lại loài người như thủ tiêu, bỏ đói và bắt người dân làm nô lệ".
Ông Michael Kirby, Chủ tịch Ủy ban Triều Tiên, khuyến nghị rằng thế giới nên đưa Triều Tiên ra ICC hoặc thiết lập một tòa án đặc biệt. Nhóm điều tra còn gợi ý Liên Hợp Quốc sử dụng những biện pháp trừng phạt với các quan chức dân sự cũng như các tướng lĩnh quân sự.
Tuyên bố từ Geneva, đoàn ngoại giao Triều Tiên bác bỏ "hoàn toàn và dứt khoát" các cáo buộc trong báo cáo dày 372 trang, cho rằng báo cáo dựa trên những tài liệu giả của các lực lượng thù địch được Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản hậu thuẫn.
Mỹ tỏ thái độ hoan nghênh báo cáo trên, coi đây là những chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm nhân quyền rộng khắp, có hệ thống và nghiêm trọng của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc thì bác bỏ nội dung nhắc đến nước này trong báo cáo của Liên Hợp Quốc, mô tả đây là lời "chỉ trích vô lý", nhưng không nói rõ liệu Bắc Kinh có bỏ phiếu phủ quyết hay không nếu Hội đồng Bảo an muốn đưa Bình Nhưỡng ra xét xử.
Theo Reuters, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, gồm 47 quốc gia thành viên, sẽ tổ chức cuộc thảo luận về báo cáo vào ngày 17/3 và bỏ phiếu cho các biện pháp đề xuất đối với Triều Tiên vào ngày 28/3.
Nguyễn Tâm