Sự kiện diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7/4 tại Đại học Trà Vinh. Liên hoan năm nay có 13 đoàn tham gia - tăng ba đơn vị so với kỳ tổ chức đầu vào năm 2013. Chương trình do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp tổ chức, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung Ương.
Các đoàn bao gồm công lập lẫn xã hội hóa, mỗi đơn vị từ 30 đến 50 diễn viên, như đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội sân khấu tỉnh Bạc Liêu, đoàn nghệ thuật Khmer - Đại học Trà Vinh. Mỗi đoàn được hỗ trợ 50 triệu đồng làm kinh phí dựng tiết mục.
Nghệ sĩ Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội - đánh giá hơn 100 năm qua, kể từ khi ra đời, nghệ thuật sân khấu dù kê có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần ở Nam bộ. Theo đại diện Hội, sau đợt đầu năm 2013, ban tổ chức mong muốn liên hoan diễn ra định kỳ ba năm một lần. Tuy nhiên, đến năm 2016, khi thư mời được gửi đi, chỉ khoảng ba, bốn đơn vị đăng ký, liên hoan không đủ điều kiện hình thành.
Năm 2021, Hội tiếp tục lên kế hoạch nhưng phải hoãn vì Covid-19. Sau 10 năm, khi trở lại, liên hoan được kỳ vọng đem đến không khí mới mẻ cho bộ môn dù kê, động viên người làm nghề, giúp các nghệ sĩ có cơ hội giao lưu kinh nghiệm giữa các đoàn.
Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh - cho biết công tác chuẩn bị hiện đã hoàn thành cơ bản, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị tham gia. Ông đánh giá năm nay, nhiều vở diễn đầu tư công phu, được tập dượt chuyên nghiệp. Bên cạnh những vở diễn dân gian - lịch sử như Hoàng tử Vê Son Đo, Tướng quân Rit Thi Sắc, nhiều đoàn khai thác đề tài hiện đại, thời sự như Bài học đắt giá, Giữ vững biển đảo quê hương, Hoa cau tình thắm. "Người dân rất quan tâm, hỏi thăm về lịch diễn để đón xem vì dù kê là thể loại được yêu thích tại Trà Vinh. Chúng tôi hy vọng mỗi đêm sẽ thu hút vài trăm khán giả đến xem các vở diễn", ông Sum nói.
Theo quy định, các tác phẩm cần có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng. Vở diễn giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật dù kê Khmer, nội dung ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc, đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn, lên án cái xấu, sự thấp hèn. Trước tiết mục, mỗi đơn vị chia sẻ tóm tắt nội dung bằng tiếng Kinh để ban giám khảo, khán giả nắm tinh thần.
Ban tổ chức sẽ trao chứng nhận kèm tiền thưởng cho các vở diễn trong đêm bế mạc 7/4. Huy chương vàng, bạc và giải xuất sắc được trao cho tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa (nếu có). Sau liên hoan, các nhà chuyên môn sẽ đánh giá thực trạng của nghệ thuật múa dù kê, từ đó có phương pháp bảo tồn, quảng bá loại hình nghệ thuật này. Liên hoan dự kiến diễn ra ba năm một lần - khoảng thời gian cần thiết để các đơn vị nghiên cứu chất liệu, kịch bản trước khi tham gia.
Dù kê là kịch hát truyền thống của người dân tộc Khmer tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh. Tác phẩm thường có kết cấu giống cải lương, nội dung diễn tả tình yêu quê hương đất nước, nét thân tình của các dân tộc. Là món ăn tinh thần của người dân tộc miền Tây, dù kê được hát bằng tiếng Khmer kèm các điệu múa phụ họa, thường biểu diễn tại các lễ hội chùa, đám cưới, lễ hội sinh hoạt văn nghệ.
Mai Nhật