Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018 (định kỳ ba năm một lần) bế mạc tối 25/4 sau nửa tháng tổ chức tại TP HCM. Sự kiện diễn ra ở Nhà hát Quân đội và ở một số điểm diễn như: sân khấu 5B Võ Văn Tần, Phú Nhuận, Thế giới trẻ, sân khấu Trịnh Kim Chi...
Năm nay có 22 đơn vị tham gia với 27 vở diễn, trong đó đến 13 đơn vị tư nhân, xã hội hóa - số lượng đơn vị xã hội hóa góp mặt nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đáng tiếc là vài sân khấu lớn của thành phố như Hoàng Thái Thanh, Idecaf, hay sân khấu Quốc Thảo mới ra mắt đều vắng mặt.
Ở những mùa trước, các vở diễn được quy định không quá 150 phút, năm nay, thời lượng giảm xuống không quá 120 phút. Sân khấu Quốc Thảo thành lập khoảng nửa năm trở lại đây, chưa đủ thâm niên. Trước khi thành lập điểm diễn này, nghệ sĩ cùng diễn viên Minh Nhí mở điểm mang tên Minh Nhí - Quốc Thảo ở quận 1, TP HCM hồi đầu năm 2017. Đến tháng 11/2017, Quốc Thảo mới tách ra thành lập sân khấu mang tên anh. Diễn viên bày tỏ: "Những sân khấu trẻ cần được khích lệ. Tôi cho rằng liên hoan nên là nơi để anh em cùng nghề ngồi khoe với nhau vở diễn mình làm được. Đây cũng là dịp để khán giả tìm hiểu và khám phá những trường phái sân khấu khác nhau. Vì vậy, không cần phải quá cứng nhắc, nặng về thủ tục hành chính".
Diễn viên kỳ cựu nói thêm một số sân khấu rơi vào tình trạng "thiếu tuổi" giống đơn vị mình nhưng lách bằng cách mượn danh nghĩa công ty khác để hợp thức hóa việc tham gia liên hoan. "Sân khấu của tôi có thể sử dụng tên công ty Minh Nhí để đủ thâm niên nhưng tôi không muốn làm như vậy", Quốc Thảo chia sẻ. Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng vắng mặt tại liên hoan vì nhiều vở diễn ở sân khấu này dài 140-170 phút.
Đồng quan điểm về một kỳ liên hoan sân khấu cởi mở hơn về tiêu chí, sân khấu Idecaf đã chọn đứng bên ngoài cuộc chơi này. Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc - cho biết ông và Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc - phó giám đốc - không hứng thú gửi tác phẩm dự thi. "Mỗi vở mang phong cách riêng của từng đạo diễn. Nghệ thuật là vô cùng. Tôi quan niệm phải tôn trọng cái riêng của từng vở diễn, không nên xét tác phẩm theo huy chương vàng, bạc...", ông Tuấn nói.
Ở trường hợp sân khấu của nghệ sĩ Gia Bảo, góp mặt ở sự kiện nhưng vở Quỷ sống của anh có nguy cơ bị trừ điểm do diễn lố giờ. Ngày 19/4, Quỷ sống công diễn trước ban giám khảo liên hoan, kéo dài 150 phút, vượt 30 phút so với quy định.
Các nghệ sĩ trong nghề nhận xét quy định về thời lượng là áp đặt, trói buộc sự sáng tạo. "Có những vở chỉ cần 60 phút hay 120 phút, nhưng có những vở cần đến 150 phút. Nếu vì lý do tham gia liên hoan mà phải cắt vở kịch xuống còn 120 phút, mạch kịch khó hay nữa. Tôi cho rằng những quy định như vậy hơi cứng nhắc và áp đặt", diễn viên Quốc Thảo nói.
Đạo diễn Hạnh Thúy, từng được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2009, cho biết chị may mắn vì trước đây khi tham gia liên hoan, không bị vướng các quy định như vậy. “Không phải sân khấu nào cũng sẵn lòng 'cắt' thời lượng vở cho vừa vặn tiêu chí. Còn việc sân khấu Quốc Thảo vắng mặt ở sự kiện không chỉ là thiệt thòi cho nghệ sĩ mà còn cho cả hội diễn. Bởi vì đó là những sân khấu khá mạnh và chất. Không có họ, hội diễn mất đi một số màu sắc đáng kể", Hạnh Thúy nói.
Có mặt trong đêm bế mạc 25/4, NSƯT Mỹ Uyên - giám đốc Nhà hát 5B Võ Văn Tần - nói nên bỏ quy định có giấy phép hơn một năm để giúp các sân khấu trẻ thêm cơ hội cọ xát. Theo chị, ban tổ chức làm vậy để hạn chế quá đông các đơn vị tham gia. Nhưng chị cho rằng "tre già thì măng mọc", đã là liên hoan nên mang tính hội hè, đông đủ. Từ đó, các đơn vị lâu năm sẽ thấy được nhiệt huyết của các nghệ sĩ trẻ, cũng như các sân khấu trẻ học hỏi nhiều kinh nghiệm của người đi trước.
Riêng với quy định thời lượng tác phẩm không nên dài hơn 120 phút, Mỹ Uyên đồng tình. "Nói thì nghe đụng chạm, tôi thấy kịch dài quá xem sẽ bị mệt. Khán giả đến khóc cười với nhân vật thì ngần ấy thời lượng là đủ rồi", chị nêu quan điểm.
Đánh giá chất lượng của liên hoan năm nay, ông Lê Minh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức cho biết - các đơn vị nghệ thuật kịch nói mang đến nhiều vở diễn chất lượng, đa dạng đề tài, màu sắc. Nhiều vở được đầu tư sâu từ kịch bản cho đến dàn dựng. Theo ông Tuấn, sân khấu kịch nói ngoài công lập ở thành phố vốn khai thác các đề tài thị trường, hài hước... nhưng ở chương trình đã giới thiệu những tác phẩm chính kịch tốt. "Các tác phẩm nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả TP HCM, điều này thể hiện qua những đêm diễn tại Nhà hát Quân đội luôn đông người xem, cổ vũ nhiệt tình", ông Tuấn nhận xét.
Các giải chính của Liên hoan kịch nói Toàn quốc 2018
4 vở đoạt Huy chương vàng gồm: Bão tố Trường Sơn (Nhà hát Kịch Việt Nam), Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổi trẻ), Tiếng giày đêm (Công ty TNHH Giải trí Hero film), Vùng lạnh (Nhà hát Kịch Việt Nam)
Sáu vở đoạt Huy chương bạc gồm: Gương mặt kẻ khác (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B), Khi con tốt sang sông (Nhà hát Kịch nói Quân đội), Yêu là thoát tội (Nhà hát Thế Giới Trẻ), Người mẹ thứ hai (Nhà hát Kịch TPHCM), Dưới ánh đèn (Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm Hội Sân khấu Việt Nam), Gặp lại người đã chết (Đoàn kịch nói Công an Nhân dân).
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Minh Ngọc nhận giải đạo diễn xuất sắc (vở Tiếng giày đêm). Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chí Trung nhận giải tác giả xuất sắc với vở Tiếng giày đêm. Họa sĩ Lê Sơn với vở Bão tố Trường Sơn. Nhạc sĩ Đức Trịnh với vở Khi con tốt sang sông. Lê Đăng Khoa nhận giải Đạo diễn trẻ triển vọng với vở Hiu hiu gió bấc.
Ngoài ra, có 39 diễn viên đoạt Huy chương vàng và 63 diễn viên đoạt Huy chương bạc.
Hồ Huy Sơn - Mai Nhật