Theo thông báo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, The Boston Consulting Group (Mỹ) và Royal HaskoningDHV (Hà Lan) là hai đơn vị trúng gói thầu số 2 về quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. The Boston Consulting Group là một trong ba công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới có trụ sở chính đặt tại Boston, Mỹ và văn phòng đại diện ở TP HCM. Công ty đóng vài trò chính trong xây dựng phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Royal HaskoningDHV là một trong ba tập đoàn tư vấn kỹ thuật hàng đầu tại Hà Lan với với kinh nghiệm 140 năm toàn cầu và hơn 35 năm kinh nghiệm tại Việt Nam. Trong dự án quy hoạch thành phố Cần Thơ, Royal HaskoningDHV sẽ chịu trách nhiệm đánh giá thực trạng và lập phương hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc phân bổ sử dụng đất, hệ thống đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phương án bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, và xây dựng cơ sở dữ liệu của quy hoạch thành phố.
Cở sở để Cần Thơ triển khai quy hoạch thành phố, với tầm nhìn đến 2050 xuất phát từ điều kiện khí hậu, tài nguyên, kinh tế xã hội xung quanh khu vực thành phố Cần Thơ đã có nhiều thay đổi. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân tại Đồng bằng Sông Mê Kông nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Mặt khác, hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng dẫn đến nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, suy giảm mực nước ngầm...
Trước tình hình đó, các chương trình dự án quy hoạch tại Cần Thơ vẫn đang được triển khai theo hướng ứng phó, thiếu các tính toán đến tác động tổng thể, đôi khi còn mâu thuẫn, chồng chéo. Vì vậy, Cần Thơ cần có một bản quy hoạch thành phố trong tương lai để giải quyết các vấn đề hiện hành và chuẩn bị cho chiến lược phát triển dài hạn.
Ngoài các chủ trương, chính sách lớn giai đoạn 2021-2030 có tác động trực tiếp đến định hướng phát triển của Cần Thơ, cách mạng công nghiệp 4.0, các hiệp định thương mại tự do cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và chính sách đầu tư tại địa phương. Do vậy, Cần Thơ đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một quy hoạch mới.
Theo đó, quy hoạch cần phải cụ thể hoá các định hướng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể bài toán mà thành phố đặt ra cho liên danh tư vấn là việc nghiên cứu, tư vấn quy hoạch thành phố theo hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố. Đây cũng là công cụ pháp lý quan trọng để triển khai kế hoạch đầu tư công và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, hướng tới đưa Cần Thơ trở thành thành phố phát triển năng động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Ngoài ra, bản quy hoạch cũng là căn cứ để người dân, doanh nghiệp thực hiện công tác giám sát, đánh giá việc quy hoạch thành phố, trong đó xây dựng khung phát triển về không gian, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn thành phố hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai.
Thảo Miên