Chiều 5/12, UBND tỉnh Cao Bằng công bố kết quả chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Lạng Sơn, Cao Bằng) giai đoạn một, theo phương thức đổi tác công tư PPP.
Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn một dài 93 km, với tổng mức đầu tư 14.300 tỷ đồng. Tuyến đường điềm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại điểm giao với quốc lộ 3 xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Trong giai đoạn một, cao tốc được thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 17 m; đối với các đoạn địa hình khó khăn, mặt đường rộng 13,5 m. Trên tuyến bố trí 7 nút giao, 4 trạm dừng nghỉ, 7 trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.
Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án hạ tầng giao thông đầu tiên trong cả nước được triển khai theo hình thức PPP sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ra đời năm 2020. Do triển khai trên địa bàn miền núi, lưu lượng xe dự báo thấp, nhiều năm qua dự án gặp khó khăn huy động nguồn vốn đầu tư. Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho dự án bằng cách nâng tỉ lệ vốn nhà nước lên 70% (thay vì 50% theo Luật PPP).
Theo đó, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh dự kiến được bố trí ngân sách trung ương tham gia 5.720 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động là 4.367 tỷ đồng.
Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Lê Quỳnh Mai cho biết, vốn cho dự án được thu xếp từ 6 nguồn để tăng hiệu quả huy động vốn, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện, bao gồm vốn ngân sách trung ương và địa phương; vốn chủ sở hữu từ doanh nghiệp tư nhân và nhà nước; vốn huy động từ tín dụng, hợp đồng BBC.
Dự án này cũng áp dụng mô hình tổng thầu, Đèo Cả là tổng thầu sẽ kiểm soát các nhà thầu và nhà thầu phụ, kiểm soát nội bộ doanh nghiệp dự án, kiểm toán độc lập đối với các hoạt động thi công để đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Dự án được tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến và xây dựng các công trình hầm giao thông xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chi phí đầu tư. Đến nay tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã rút ngắn xuống còn 121 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 23 km); tổng vốn đầu tư giảm 50% chi phí đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó.
Ông Trần Hồng Minh, Bí thư tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh đã chuẩn bị mỏ vật liệu phục vụ dự án và đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để có thể khởi công trước Tết âm lịch.
Hiện, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ôtô di chuyển mất 5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, nối thông với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng sẽ rút ngắn xuống còn 2,5 - 3 giờ.
Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía đông bắc, phục vụ mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.