Hai ngày Lễ hội vùng Lim 11 - 12/2, hình ảnh liền anh, liền chị ngả nón xin tiền du khách đã không xuất hiện. Thay vào đó, những chiếc khay được ngửa ra để nhận tiền từ khán giả. Trên thuyền hát quan họ, một hòm công đức cũng được đặt sẵn.
Một số người dân địa phương cho rằng, việc liền anh liền chị nhận tiền từ khách nghe quan họ hay lấy tiền trầu (10 nghìn đồng/miếng) là bình thường. "Họ cũng phải mất công têm trầu, hát cho mình nghe. Đổi lại, mình gửi họ ít tiền gọi là ủng hộ, như thế cũng là lẽ thường", chị Ngọc, nhà ở thị trấn Lim chia sẻ.
Không ít khách thập phương thì tỏ ra bất ngờ trước hình thức "bán trầu" của Lễ hội vùng Lim. Việc dùng khay đựng tiền của liền anh liền chị, một số người cho rằng, đó là biến tướng của hiện tượng ngả nón xin tiền.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Xuân Lợi - Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng ban chỉ đạo Lễ hội vùng Lim, cho biết, các hiện tượng trên xuất phát từ việc người dân thưởng tiền cho liền anh, liền chị và họ không thể không nhận. Trưởng ban chỉ đạo Lễ hội vùng Lim cho biết, sẽ nhắc nhở và chấn chỉnh các trường hợp này để không tái diễn trong mùa hội sau.
Hiện tượng lực lượng an ninh để mặc người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động nhộn nhịp tại trung tâm đồi Lim ngày 11/2, cũng được Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Du thừa nhận. Theo ông, do "những năm trước ở hội Lim có các hòm đổi tiền, năm nay chỉ là cá nhân kinh doanh dịch vụ này. Một số anh em mới làm công tác an ninh ở lễ hội chưa biết có quy định cấm đổi tiền lẻ nên không nhắc nhở, xử lý". Ngày 12/2, ban tổ chức đã chấn chỉnh lại hiện tượng này và lập biên bản 6 trường hợp kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ.
Hiện tượng người dân rải tiền, gài tiền vào tay Phật, thắp quá nhiều hương tại hội Lim vẫn diễn ra. Theo trưởng ban chỉ đạo lễ hội, dù loa truyền thanh luôn thông báo, ở mỗi ban thờ cũng 2 người đứng nhắc nhở người đi lễ vẫn chưa có ý thức đặt tiền vào hòm công đức. "Nhiều người nghĩ rằng, gài tiền vào tay Phật thì ngài mời chứng giám cho", ông Lợi nói.
Trong hai ngày lễ hội, vùng Lim đã đón hơn 100.000 du khách về tham quan, thắp hương, cầu may. Lượng người đổ về đông nhất là chính hội (ngày 12/2).
Quỳnh Trang