Giấc mơ thường rất thú vị, đúng không nhỉ? Tại sao chúng ta lại mơ thấy những giấc mơ đó?
Những gì đến với tôi năm vừa qua giống như giấc mơ hóa thành hiện thực. Tôi vô địch châu Âu trên quê hương Hà Lan, trở thành Cầu thủ hay nhất giải. Sau đó tôi khoác áo Barca – đội bóng tôi mê mẩn, đi chung chuyên cơ với Lionel Messi. Cuối cùng là danh hiệu Cầu thủ hay nhất thế giới. Có lúc tôi không thể tưởng tượng nổi những gì vừa diễn ra.
Nhưng có điều này tôi phải thú nhận. Khi còn bé, tôi chưa từng mơ thấy những thành tựu đó. Tôi không nghĩ sẽ vô địch Euro, hay khoác áo đội tuyển. Không phải vì tôi không muốn mơ, mà là tôi không thể.
Số là tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ bé có tên Bergen, sát biên giới Đức, với dân số chỉ vài nghìn người. Thời đó, bóng đá nữ của Hà Lan chưa lớn mạnh như bây giờ. Ngày nay, nữ cầu thủ nhí có thể nhìn thấy con đường dẫn tới sự nghiệp đỉnh cao, thông qua những hình mẫu thành đạt. Những cô bé ấy có thể ao ước chơi bóng cho Ajax, Barca hay Man City – những đội bóng hàng đầu.
Nhưng hồi đó, tôi không thể nhìn thấy tương lai, chỉ muốn chơi bóng mọi lúc có thể. Tôi không có thần tượng bóng đá nữ nào, để coi đó là hình tượng phấn đấu. Tôi thậm chí còn không biết Hà Lan cũng có đội tuyển nữ. Vì thế, tôi mơ thấy những thứ khác. Tôi mơ được khoác áo Ajax, đội bóng tôi yêu thích ở Hà Lan. Nhưng không phải đội nữ, mà là đội nam. Tôi hiểu các bạn nghĩ gì khi đọc đến đây, vì mọi người trong làng tôi đều chỉ nói một câu: Điều đó là không thể, vì cháu là con gái cơ mà.
Tôi cũng hiểu ước mơ đó thật viển vông. Nhưng tôi không cần nó phải thực tế. Miễn là trên tay tôi có một quả bóng. Miễn là tôi vẫn có thần tượng ở Barca. Đó là Ronaldinho.
Ký ức đầu tiên trong đời tôi là khi mẹ dẫn tôi đến xem anh trai thi đấu. Tôi chỉ chực chạy vào sân, nhưng phải chờ đến khi bốn tuổi mới được phép chơi bóng. Tôi dùng một quả bóng nhỏ để chơi một mình. Người dân trong làng bắt đầu biết đến tôi như một cô bé luôn luôn chạy cùng trái bóng. Ở đây tôi không hề phóng đại chút nào. Mỗi khi đi học về lúc 3h chiều, trong khi các bạn nữ khác chơi cùng búp bê Barbie, tôi chơi bóng cùng các anh trai và đám bạn. Họ đều lớn tuổi hơn, nhưng luôn cho tôi tham gia. Tất cả đều chỉ muốn vui vẻ. Ngay cả khi tôi không có ai chơi cùng, tôi vẫn mang theo trái bóng, với bạn đồng hành đặc biệt: Bức tường.
Bóng đá kỳ thú như vậy đấy. Nếu không có bạn bè để chơi cùng, chúng ta luôn có thể biến một bức tường thành đồng đội. Có những lúc tôi chỉ sút bóng vào tường cả buổi chiều. Đến bữa tối, mẹ luôn phải chạy đi tìm tôi, gọi về ăn cơm. Kỹ năng chơi bóng của tôi dần được cải thiện từ những buổi chiều như thế, vì tôi đã dùng cả hai chân, với vô số lần đá bóng vào tường.
Phải, trái, phải, trái, phải.
Có lúc bố tôi xen vào với lời dặn: Con nên tập nhiều bằng chân trái hơn nữa.
Trái, phải, trái, trái, trái.
Tôi còn thử những ngón biểu diễn kỹ thuật trứ danh, như màn “Xoay Cruyff” tôi thực hiện trong trận gặp Bỉ ở Euro. Để làm được thế, tôi đã tập không biết bao nhiêu lần. Johan Cruyff là người hùng của tất cả chúng tôi.
Nhưng thần tượng lớn hơn trong mắt tôi là Ronaldinho. Tôi mê mẩn phong cách chơi bóng của anh ấy. Tôi vẫn còn nhớ có một chương trình quảng cáo tên Joga Bonito, nơi Ronaldinho và đồng nghiệp thay nhau biểu diễn kỹ thuật với trái bóng. Vì thế, tôi tìm trên Youtube những ngón nghề của anh ấy, và cố gắng bắt chước.
Tôi cũng miệt mài học cách tâng bóng. Mục tiêu thường là 100 lần tâng bóng, nhưng tôi luôn muốn nhiều hơn thế. Tôi không ngừng tìm cách vượt qua giới hạn bản thân. Nếu pha biểu diễn nào mà tôi thất bại, tôi sẽ cố thành công ở hôm sau.
Lần đầu gia nhập một đội bóng, tôi phải thi đấu cùng những cậu bé. Điều đó bây giờ nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng khi ấy tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc vì có một đội bóng thực sự công nhận năng lực của tôi. Tôi quen nhiều cầu thủ nữ không muốn chơi bên cạnh con trai, và luôn tìm kiếm một CLB chỉ dành cho phái nữ. Những đội như thế không có nhiều ở Bergen. Thế nên người dân trong làng lại có thêm lý do để biết đến tôi: Cô gái duy nhất chơi ở một đội bóng nam.
Huấn luyện đội bóng là bố tôi. Suốt khoảng bốn năm, bố luôn coi tôi như mọi cầu thủ khác. Đồng đội cũng phải nể khả năng của tôi, nên họ tỏ ra tôn trọng tôi. Nhưng đối thủ, đặc biệt là bố mẹ của họ, thường nói rằng: “Gì thế kia? Một cô bé đang ở trên sân? Làm sao cô bé có thể đá bóng được?”.
Thực ra họ có lý. Bóng đá nam và nữ có sự khác biệt. Khi tôi còn nhỏ, các cậu bé đã luôn nhanh và khỏe hơn tôi. Vì thế họ sẽ không chấp nhận việc bị một cô gái dẫn bóng vượt qua. Một số thậm chí phản ứng một cách khó chịu với việc bị lừa qua.
Nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì được thi đấu cùng đội nam, cho đến năm 16 tuổi. Tôi đã học hỏi được nhiều từ họ. Nếu không, chắc chắn tôi đã không thể chơi tốt như bây giờ. Nhưng vẫn có những thời điểm khó khăn, nhất là khi chúng tôi thắng.
Đội chúng tôi thường mừng thắng lợi bằng cách đập tay “high-five”. Sau đó, những cầu thủ nam sẽ vào phòng thay đồ và chia vui cùng nhau. Dĩ nhiên tôi đi tắm ở một phòng khác. Đôi khi tôi nghe thấy qua vách tường, họ đang reo hò và ca hát. Còn tôi ở trong căn phòng nhỏ, một mình, cởi giầy ra thay. Thực sự đó là khác biệt. Cảm giác ấy thật lạ kỳ.
Nhưng tôi nghĩ như vậy cũng tốt. Đó là động lực để tôi theo đuổi ước mơ, dù tôi phải chịu cảnh cô đơn. Tôi luôn cố gắng biến nỗi buồn thành động lực, cũng là cách để tôi vượt qua thời niên thiếu nhiều khó khăn. Đôi lúc tôi tự hỏi: Giấc mơ tôi đang theo đuổi là gì? Có phải thi đấu cho đội nam Ajax hay không? Nhưng tôi không thể nhìn thấy con đường đến với mục tiêu đó, cho đến khi một sự kiện đi qua tôi: Được triệu tập vào đội tuyển U19 Hà Lan.
Khi đó tôi mới 15 tuổi, đã phải rời quê hương để đến thành phố khổng lồ như Amsterdam. Quan trọng hơn, tôi phải xa gia đình. Tôi sống với những người chị hơn tôi ba, bốn tuổi. Chúng tôi là đồng đội, nhưng phải tự làm mọi việc. Có những việc tôi không biết cách làm, vẫn phải tự khám phá. Tôi chẳng có khái niệm gì về nấu ăn và rửa bát. Cực chẳng đã, tôi phải cầu cứu mẹ.
Khó nhất vẫn là chuyện giặt giũ. Tôi từng gọi cho mẹ một lần để hỏi cách sử dụng máy giặt, nhưng vẫn không hiểu. Tôi phải gọi hỏi đến lần hai, lần ba: “Mẹ à. Con vẫn chưa biết cách sử dụng. Không biết đã chỉnh sai ở đâu nữa". Tôi có thể nói rằng tôi chưa bao giờ để quần áo nhăn nhúm, hay nấu nướng không ngon. Nhưng như thế là nói dối.
Tôi phải học cách trưởng thành nhanh chóng, nếu không sẽ chẳng thể tồn tại được. Thử thách đầu tiên với tôi là sống sót qua lễ Giáng sinh. Amsterdam không có ánh nắng quanh năm như Barcelona, mà trời tối hơn. Tôi thực sự cô đơn. Chỗ đó cách quê tôi 2 tiếng 30 phút đi tàu. Nếu muốn về nhà thăm gia đình và bạn bè, tôi chỉ có thể đi một, hai ngày.
Tôi rất biết ơn bố mẹ. Họ đã lặng lẽ nuôi dạy hai anh trai, tôi và em gái. Mẹ tôi ở nhà để chăm lo bốn đứa con, trong khi bố làm lụng vất vả. Bố mẹ sẵn sàng làm mọi thứ vì chúng tôi. Nếu tôi gọi điện về lúc 3h sáng, bố mẹ vẫn sẵn sàng lắng nghe. Khi tôi cảm thấy không khỏe, hai người sẽ đến Amsterdam ngay lập tức. Nếu không có lòng tin từ bố mẹ, tôi sẽ không được như ngày hôm nay.
Khi 15 tuổi, tôi thấy bạn bè có thể làm những việc mà tôi sẽ rất thích. Nhưng không đơn giản để tôi làm được như vậy. Khi tôi rời quê hương, em gái mới lên tám tuổi. Hai chị em vẫn rất thân nhau, nhưng tôi không thấy được quá trình cô em trưởng thành, như hai anh trai. Nên tôi và em gái thân nhau theo kiểu khác. Chắc chắn nhiều cầu thủ bóng đá, cả nam và nữ, đều hiểu cảm giác đó.
Nhưng tôi chấp nhận hy sinh, vì tôi muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi nhanh chóng thi đấu ở các CLB tại Bỉ, Đức và Thụy Điển. Năm 2010, tôi khoác áo đội U19 Hà Lan và chỉ một năm sau, tôi có màn ra mắt đội tuyển. Đến năm 2013, chúng tôi dự Euro ở Thụy Điển. Hai năm sau, lần đầu Hà Lan lọt vào World Cup. Sự hy sinh của tôi đã không bị uổng phí.
Trải nghiệm World Cup thật dễ gây cuồng si. Trận đầu tiên chúng tôi gặp New Zealand ở Edmonton. Trước đó, chủ nhà Canada có màn ra quân, với khán đài đông nghịt khán giả. Phải đến 40.000 CĐV góp mặt. Tôi mừng vì đã qua vòng loại, càng thích thú hơn khi được chơi trên sân hoành tráng, với không khí náo nhiệt và gặp một đội ở nửa kia của Trái đất. Chúng tôi đã rất hồi hộp, nhưng vẫn thắng 1-0. Và tôi ghi bàn.
Tôi vẫn nhớ từng chi tiết bàn thắng, xuất hiện ở phút 33. Tôi vẫn nhớ hình ảnh trái bóng bay vào lưới, đồng đội chạy đến chia vui. Cảm giác ấy thật khó tin. Nhưng Hà Lan đã có thể làm tốt hơn. Chúng tôi lọt vào vòng 1/8 – thành tích trong mơ với một tân binh. Trận đấu diễn ra vào ban đêm, theo giờ Hà Lan, nhưng gia đình và bạn bè tôi vẫn thức theo dõi. Nhưng người dân Hà Lan chủ yếu xem highlight vào sáng hôm sau. Vậy cũng không sao, nhưng so với những gì Hà Lan đạt được hai năm sau đó, là khác biệt lớn. Giờ đây, bóng đá nữ Hà Lan được cả đất nước quan tâm. Lý do cũng dễ hiểu.
Chúng tôi đã không vượt qua vòng bảng Euro 2013, nhưng lần này giải đấu được tổ chức tại Hà Lan (năm 2017). Chúng tôi rơi vào bảng dễ chịu. Sau World Cup 2015, nhiều tuyển thủ Hà Lan đã ra nước ngoài chơi bóng. Trước đó họ chỉ thi đấu trong nước. Như vậy tốt với giải quốc gia, nhưng không giúp cải thiện sức mạnh đội tuyển. Để hùng mạnh hơn, chúng tôi phải thi đấu với những người giỏi nhất châu Âu. Thế nên tôi biết Hà Lan sẽ mạnh hơn, nhưng không đến mức vô địch Euro. Tôi đã mơ về thành quả đó, vẫn thấy ngoài sức tưởng tượng.
Tôi sẽ không bao giờ quên trận đầu gặp Na Uy. Trước khi xe bus của Hà Lan đến sân, tôi không mường tượng được không khí trong sân sẽ như nào. Nhưng khi xe dừng bánh ở một góc khán đài, tôi nhìn vào trong và thấy một biển người màu cam. Sao lại có thể như vậy được. Áo cam, cờ cam và khăn cũng màu cam. Màu cam ở mọi nơi. Chúng tôi đều nổi gai ốc. Toàn đội đều hiểu đây là trận cầu lớn, nhưng có thể lớn đến mức này sao?
Ngay lập tức, chúng tôi hướng về nhau và cùng hẹn thề: “Này các cô gái, chúng ta sẽ cho họ thấy Hà Lan mạnh như thế nào. Chúng ta sẽ thi đấu cho chính chúng ta và cho người hâm mộ - những người đến tận đây cổ vũ”.
Chuyện cổ tích bắt nguồn từ đó. Bầu không khí khơi dậy năng lượng chiến đấu cho toàn đội, và chúng tôi không bao giờ đánh mất nó. Ở bất cứ trận nào, chúng tôi đều thấy biển màu cam. Chiến công của chúng tôi có sự giúp sức không nhỏ từ người hâm mộ.
Chúng tôi nhất bảng và đi một mạch đến chung kết. Đúng là Hà Lan được thần may mắn phù hộ, nhưng do chúng tôi nỗ lực làm nên. Mọi thứ đều thuận lợi. Toàn đội giữ được tinh thần chiến đấu, tình đồng đội. Tất cả đều hiểu rõ nhiệm vụ, từ chân sút chủ lực đến thủ môn số ba. Càng tiến sâu tại giải, chúng tôi càng gắn bó hơn. Có những thời điểm, chúng tôi cảm giác không thể bị đánh bại. Thực sự chúng tôi đã không bị đánh bại. Hà Lan hạ Đan Mạch ở chung kết, đoạt danh hiệu đầu tiên trong lịch sử, trước sự cổ vũ của khán giả nhà.
Có một khoảnh khắc ghim sâu trong tôi. Khi đang ăn mừng ngôi quán quân, với HC vàng quấn quanh cổ, tôi nhìn thấy bố mẹ. Hai người thấu hiểu những khó khăn tôi phải băng qua để được như hôm nay. Tôi cũng thấm thía nỗ lực vô hạn mà bố mẹ đã thực hiện để giúp tôi theo đổi ước mơ. Tôi bật khóc ngon lành. Bố mẹ cũng vậy. Chúng tôi chưa từng nghĩ đến khoảnh khắc như này.
Bạn bè tôi cũng ở đó, cùng tôi tận hưởng giây phút xúc động tột cùng. Một vài đứa còn tặng tôi cuốn sách nhỏ, trong đó có những tấm ảnh và câu chuyện thú vị suốt giải đấu. Điều đó cho thấy tụi bạn tôi đã quan tâm đến Euro, như những người hâm mộ. “Không chỉ giải đấu của cậu vừa kết thúc, mà giải của bọn tớ cũng vậy”, bạn bè tôi nói.
Cuộc đời tôi cứ như một cơn lốc xoáy, sau giải đấu. Tôi được bầu chọn là Cầu thủ hay nhất giải, và hay nhất châu Âu năm đó. Tôi cũng gia nhập Barcelona, đội bóng cũ của Ronaldinho, mặc cùng chiếc áo anh ấy từng khoác lên. Đến tháng 9/2017, FIFA thông báo những đề cử Cầu thủ hay nhất thế giới.
Khi phát hiện ra tôi nằm trong danh sách, tôi như phát rồ. Sau đó, HLV của tôi còn mang đến thông tin sốc hơn. Chú ấy lên kế hoạch để tôi đến London trong lễ trao giải: “Cháu sẽ đi cùng Lionel Messi đấy”. Bề ngoài tôi cố tỏ ra điềm đạm, nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ: “Chú đang đùa hay sao?”.
Ngày đó cũng sẽ không bao giờ nhòe đi trong tâm trí tôi. Tôi và Messi đi chung chuyến bay. Anh ấy thân thiện lắm, dù khi đó tôi chưa nói sõi tiếng Tây Ban Nha. (Giờ thì tôi đang theo các khóa học và tiến bộ rất nhanh). Tôi nhận được lời chúc mừng trực tiếp từ Messi sau khi thắng giải. Cảm giác như giấc mơ có thực. Tôi cũng hạnh phúc vì gia đình và bạn trai đã đến tham dự và chứng kiến hành trình của tôi. Họ cũng có thể tự hào vì đã đi chung chuyến bay với Messi.
Tôi biết mọi người so sánh tôi với anh ấy, dù khá khập khiễng. Messi cũng là người hùng trong mắt tôi. Anh ấy vượt qua đối thủ rất nhanh trong những tình huống một chọi một, thậm chí là một chọi năm. Tôi đang cố học hỏi từ anh ấy. Nếu Barca thi đấu, tôi sẽ xem Messi chơi bóng ra sao. Ngay cả khi Messi không có bóng, tôi cũng muốn tìm hiểu cách anh ấy di chuyển tạo khoảng trống, sẵn sàng nhận bóng. Chúng tôi khá tương đồng ở điểm đó: Khi bắt đầu rê bóng, cả hai đều khó bị ngăn chặn. Nhưng Messi chơi hay hơn nhiều, giỏi một cách lạ thường.
Tôi thấy thật hãnh diện khi trở thành Cầu thủ hay nhất thế giới. Nhưng Ronaldo hay Messi vẫn luôn muốn họ phải là số một, vì thế tôi vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Cuộc sống của tôi đã thay đổi kể từ Euro 2017. Chuyển biến rõ rệt nhất là mỗi khi tôi xuống phố, mọi người đều nhận ra. Ngay cả ở Barcelona, những người Hà Lan vẫn dừng lại và xin chụp tấm ảnh cùng tôi. Họ luôn nói tích cực về bóng đá nữ Hà Lan, khiến tôi cảm thấy ấm áp.
Tôi từng tranh cãi với những người không tôn trọng bóng đá nữ. Dĩ nhiên chẳng bao giờ nó sánh được với bóng đá nam. Chúng tôi không thể có tốc độ và thể lực tốt như thế. Tốc độ trận đấu cũng là khoảng cách khó xóa nhòa. Nhưng chúng tôi cũng có kỹ thuật. Và nếu bóng đá nam có thể truyền cảm hứng cho người hâm mộ, bóng đá nữ cũng có thể.
Kỳ Euro cũng đã thay đổi bóng đá nữ ở Hà Lan. Hai năm trước, một số trận đấu thậm chí không được trực tiếp. Nhưng giờ mọi người sẵn sàng ngồi nhà và dõi theo chúng tôi. Mọi đứa bé giờ đã biết Hà Lan có đội bóng nữ. Chúng tôi cảm thấy như người hùng trong mắt những đứa trẻ, có thể truyền động lực cho chúng. Tất cả đều có thể nhận ra một cô gái đến từ Hà Lan cũng có thể vô địch Euro, và khoác áo Barca.
Tôi từng nói rằng: “Tôi muốn trở thành Ronaldinho”. Còn giờ họ nói: “Tôi muốn trở thành Vivianne Miedema”. “Hay Daniëlle van de Donk”. “Hay Lieke Martens”. Thú vị thật đấy.
Xuân Bình (dịch)
Ảnh: Reuters, FIFA