Lịch trình gợi ý dưới đây mang lại cho bạn một trải nghiệm thú vị.
Phương tiện di chuyển
Vé xe khách tuyến Sài Gòn - Tiền Giang (khoảng 70 km) có giá 60.000 đồng/ vé. Tuyến Bến Tre - Sài Gòn (88 km) có giá 67.000 đồng/ vé.
Nếu đi xe máy, bạn theo quốc lộ 1 đến ngã ba Trung Lương là tới cửa ngõ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
Lưu trú
Tại Tiền Giang, bạn có thể chọn khách sạn ở Gò Công như Liên Hương, Hồng Thành, Hoa Hồng với mức giá từ 250.000 đồng đến 450.000 đồng/ đêm. Ở Mỹ Tho có khách sạn Công Đoàn giá 370.000 đồng/ đêm. Tại Bến Tre có các khách sạn Hùng Vương, Hàm Luông, Việt Úc, Oasis… với mức giá từ 400.000 đồng/ đêm.
Gợi ý lịch trình
Ngày thứ nhất: Sài Gòn - Gò Công - Mỹ Tho (Tiền Giang)
Đặt chân đến Gò Công, bạn hãy ghé cụm lăng Hoàng Gia, một trong những công trình hiếm hoi ở miền Tây có tuổi thọ vài trăm năm. Được xây dựng vào năm 1826, nơi đây thờ dòng họ Phạm Đăng, trong đó có ông Phạm Đăng Hưng là cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ.
Cách thị xã Gò Công 15 km theo hướng đông là bãi biển Tân Thành. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm cào nghêu hay săn sam. Đặc biệt, thưởng thức những con nghêu trắng phau tròn căng ngọt lịm được chế biến ngon miệng, bạn sẽ có một bữa ăn khó quên.
Tại Mỹ Tho, bạn không nên bỏ qua chùa Vĩnh Tràng ở đường Nguyễn Trung Trực thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong. Tồn tại từ đầu thế kỷ 19, đây là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, mang đậm nét kiến trúc Á - Âu đặc sắc. Một đặc sản nên thử chính ở Mỹ Tho là hủ tiếu. Sợi hủ tiếu dai mềm, nước lèo hòa quyện giữa vị ngọt thanh của xương hầm, vị mằn mặn của tôm khô, rất đậm đà.
Ngày thứ hai: Mỹ Tho - Cái Bè - Tứ Cồn - Bến Tre
Chợ nổi Cái Bè với hàng trăm xuồng ghe chở đầy ắp các loại trái cây sẽ cho bạn cảm nhận rõ nét không khí mua bán nhộn nhịp của một khu chợ nổi miền Tây. Từ đây, bạn có thể ghé thăm các làng nghề truyền thống ven sông như lò làm kẹo, lò làm bánh tráng, lò làm cốm, thủ công mỹ nghệ, lò nung gạch…
Theo dòng sông Tiền, bốn cồn Long - Lân - Quy - Phụng luôn là địa điểm hấp dẫn du khách. Cồn Long và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trong khi cồn Quy và cồn Phụng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Thế nên chuyến du lịch Tiền Giang - Bến Tre sẽ là cơ hội để bạn khám phá trọn vẹn "tứ linh".
Cồn Long chuyên nuôi thủy sản trên bè và sửa chữa ghe tàu vì gần cảng cá Mỹ Tho. Ở đây còn có những miệt vườn cây trái sum suê thơm ngon như sầu riêng, chôm chôm, sơ-ri, ổi không hạt, cam, xoài, vú sữa.
Cồn Lân hay còn gọi là cồn Thới Sơn, là cồn lớn nhất trong số 4 cồn. Theo những con rạch quanh co, con đò nhỏ sẽ đưa bạn lướt qua hai hàng dừa nước. Tận hưởng đời sống dân dã khi được vào vườn hái trái cây, tham quan ngôi nhà vườn ba gian, năm gian đặc trưng của miền Tây, bạn sẽ có rất nhiều kỷ niệm thú vị.
Cồn Quy nhỏ nhất, còn có tên gọi khác là cồn Cát. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét đẹp hoang sơ. Bạn sẽ có cảm giác thích thú khi ngồi trong các gian nhà sàn lộng gió, ngắm những bông bần trắng tím la đà mặt nước, nhấm nháp cá bông lau nấu canh chua bần với rau muống đồng hay cá diêu hồng hấp nấm mối với bông bí, nghe tiếng đờn ca tài tử réo rắt.
Cồn Phụng là nơi tiên phong khai thác thân cây dừa làm hàng gia dụng và hình thành một làng nghề mỹ nghệ dừa độc đáo. Tại đây lưu giữ di tích kiến trúc lạ mắt và tinh xảo của đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam lập nên từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Được bình chọn là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu du lịch Cồn Phụng rộng rãi, thoáng mát, hòa vào thiên nhiên.
Bạn có thể đi xuồng máy dọc cồn để tham quan các cơ sở chế biến kẹo dừa, đồ lưu niệm từ dừa hay lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân bên ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức trái cây miền nhiệt đới.
Ngày thứ ba: Bến Tre - Sài Gòn
Hãy dành thời gian ghé qua khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu thuộc huyện Ba Tri, nơi an nghỉ của nhà thơ lớn của dân tộc, nhà yêu nước và vị thầy thuốc của nhân dân. Hoặc đến làng du kích Đồng Khởi thuộc huyện Mỏ Cày, bạn sẽ được thấy các loại vũ khí thô sơ mà người dân dùng trong các cuộc kháng chiến.
Sân chim Vàm Hồ thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân, huyện Ba Tri, là nơi sinh sống của gần 500.000 con cò, vạc và các loài chim thú hoang dại khác, cùng với rừng chà là và thảm thực vật phong phú. Nơi đây mở ra một không gian thiên nhiên kỳ thú. Có rất nhiều điều chờ bạn khám phá như dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.
Đến vườn cây ăn trái Cái Mơn, bạn sẽ được tận hưởng thú vui khám phá vườn cây trái, thưởng thức các loại quả tươi do chính tay mình vừa hái xuống rồi mua về làm quà, đặc biệt là sầu riêng Cái Mơn. Ngoài trái cây, gần đây nhiều nhà vườn còn phục vụ thêm các món ăn đặc sản miền quê Bến Tre như cháo gà thả vườn, cháo hến, bánh xèo ốc gạo…
Ăn uống
Chuyến du lịch này sẽ cho bạn thưởng thức món cá bống dừa kho sệt, bánh giá, ốc gạo Tân Phong, chuối quết dừa, mắm còng, gỏi nham. Sang Bến Tre có chuối đập nước cốt dừa, bánh canh bột xắt, đuông dừa, thịt chuột dừa chế biến đa dạng như nướng, hấp, nấu cà ri hay hấp trong nồi cơm.
Quà mua về
Gò Công nổi tiếng với những trái sơ-ri chín mọng cùng đặc sản mắm tôm chà. Ngoài ra Tiền Giang còn có vô vàn trái cây ngon như vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè, bưởi da xanh. Bến Tre nức tiếng với kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, các đồ vật mỹ nghệ đẹp mắt làm từ dừa.
Xem thêm: Món bánh giá giòn rụm ở Tiền Giang
Theo Ngoisao