Tuần trước, Hiệp hội Luật sư bào chữa hình sự Mỹ và nhóm Quyền kỹ thuật số phi lợi nhuận EFF đã gửi hồ sơ lên tòa án về việc cảnh sát được cung cấp dữ liệu riêng tư từ Google để phá án, ảnh hưởng tới quyền của người sử dụng dịch vụ.
Theo đó, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm và được ghi nhận trên khắp nước Mỹ. Ví dụ, trong vụ án một phụ nữ tại Pennsylvania bị xâm hại năm 2016, cơ quan chức năng yêu cầu Alphabet, công ty mẹ của Google, chia sẻ thông tin về những người sống cùng khu vực từng tìm kiếm tên, địa chỉ nạn nhân trong một tuần gần nhất. Google sau đó gửi chính xác dữ liệu về một nghi phạm và người này cuối cùng đã nhận tội.
Một trường hợp khác về vụ hỏa hoạn khiến gia đình 5 người thiệt mạng, gây chấn động bang Colorado năm 2020, cũng được điều tra theo cách tương tự. Từ video ghi lại cảnh ba kẻ đeo mặt nạ chạy qua hiện trường, một thám tử xin được lệnh tòa án và yêu cầu Google cung cấp tất cả tài khoản đã tìm kiếm địa chỉ ngôi nhà trong hai tuần trước vụ cháy. Kết quả, ba thiếu niên sa lưới pháp luật, một trong đó thừa nhận phóng hỏa vì nghi ngờ nạn nhân đánh cắp iPhone của mình.
Theo USA Today, hình thức phá án này diễn ra theo ba bước và ngày càng được áp dụng thường xuyên. Đầu tiên, cảnh sát sử dụng kỹ thuật "hàng rào địa lý", bắt đầu từ việc xác định địa điểm, thời gian phạm tội và vẽ hình tròn ảo xung quanh đó. Kế tiếp, họ nộp đơn lên tòa án địa phương, đề nghị Google cung cấp dữ liệu liên quan như lịch sử duyệt web, từ khóa tìm kiếm, lịch trình di chuyển ghi nhận trên ứng dụng bản đồ của các thiết bị chứa tài khoản online ở nơi khoanh vùng. Cảnh sát sau đó nghiên cứu và chọn lọc những đối tượng khả nghi nhất.
"Cơ quan thực thi pháp luật có thể đang xem đây là cách dễ nhất để tìm ra manh mối. Nếu đã đồng ý hợp tác một lần, Google rất khó từ chối ở những lần tiếp theo", Michael Price, lãnh đạo Hiệp hội Luật sư bào chữa hình sự Mỹ, nói với Bloomberg.
Google đã nhận kỷ lục 60.472 yêu cầu cung cấp thông tin từ cảnh sát Mỹ năm ngoái, cao gấp hai so với thống kê năm 2019. Trong đó, nền tảng chấp nhận phản hồi khoảng 80% trường hợp dù không được thông báo về bản chất cuộc điều tra cũng như mức độ nghiêm trọng của vụ án. Một số doanh nghiệp công nghệ khác cũng nhận yêu cầu tương tự, tuy nhiên lượng lớn vẫn tập trung vào Google do nền tảng chiếm đến 92% thị phần tìm kiếm online toàn cầu.
Các chuyên gia đánh giá cách phá án dựa vào dữ liệu duyệt web không chính xác tuyệt đối, do chỉ theo dõi thiết bị, không thực sự truy vết con người. Nếu muốn né tránh, tội phạm có thể ngừng sử dụng công cụ tìm kiếm hoặc không đem theo điện thoại di động. Hiện phương pháp điều tra này ngày càng bị phản đối vì các nghi vấn xâm phạm quyền riêng tư và làm tăng nguy cơ lộ thông tin cá nhân.
Để trấn an người dùng, Google cho biết đang tăng cường nhân sự cho nhóm Hỗ trợ điều tra pháp lý (LIS), nhằm sàng lọc dữ liệu trước khi gửi đến cơ quan chức năng. Nền tảng cũng giới hạn lượng nội dung mỗi nhân viên LIS có quyền tiếp cận, đồng thời xem xét giảm bán kính khu vực cần cung cấp thông tin trong các vụ án mà cảnh sát yêu cầu. Giữa tháng 12/2023, Google đã thêm tùy chọn bật, tắt vào "lịch sử vị trí" trên ứng dụng bản đồ. Theo đó, người dùng có thể tắt tính năng để ẩn lịch trình di chuyển. Với trạng thái bật, dữ liệu vị trí dự kiến cũng chỉ được lưu trực tiếp trên thiết bị và duy nhất chủ tài khoản có thể tiếp cận.
"Vị trí người dùng là thông tin cá nhân. Chúng tôi cam kết giữ nó an toàn, riêng tư và trong tầm kiểm soát", Marlo McGriff, Giám đốc sản phẩm Google Maps, viết trên blog công ty.
Hoàng Giang