Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), trụ sở tại Hamburg, Đức, là tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, ký ngày 10/12/1982 tại Vịnh Montego, Jamaica.
Trước khi Công ước và ITLOS ra đời, các đại dương được phân chia tuân theo học thuyết "ngầm" về quyền tự do trên biển từ thế kỷ 17. Nội dung cơ bản là giới hạn quyền quốc gia với các đại dương trong một vành đai 3 hải lý (5,5 km) bao quanh bờ biển của quốc gia đó. Phần còn lại của biển là tự do cho tất cả quốc gia khác và không thuộc về ai.
Song đến giữa thế kỷ 20, các đội tàu đánh cá đường dài, tàu vận tải, tàu chở dầu và tàu chở hàng hóa độc hại đã gây lo ngại làm ô nhiễm đại dương. Nhưng mối nguy đứng sau là các cường quốc tìm mọi cách để khai thác tài nguyên. Các đại dương trở thành đấu trường cho xung đột và bất ổn.
Năm 1945, Tổng thống Harry S. Truman, đơn phương mở rộng quyền tài phán của Mỹ với tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa, gồm dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản. Các quốc gia khác nhanh chóng làm theo.
Tháng 10/1946, Argentina làm điều tương tự; Chile và Peru năm 1947, và Ecuador năm 1950, khẳng định quyền chủ quyền lãnh tổ tới 200 hải lý, gấp gần70 lần quy ước cũ.
Ngay sau Thế chiến II trên đất liền, Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Saudi, Libya, Venezuela và một số quốc gia Đông Âu đã tuyên bố chủ quyền với lãnh hải 12 hải lý, gấp 4 lần quy ước ngầm cũ. Năm 1970, Canada khẳng định quyền trong khu vực biển kéo dài 100 hải lý...
Đi cùng sự "tự nhận" quyền với đại dương, các quốc gia nhanh chóng khai thác dầu, thiếc, kim cương, hải sản...Những năm 1950, thiết bị khoan dầu đã đi sâu tới 4.000 mét dưới bề mặt đại dương.
Các mối nguy với biển gia tăng với tàu ngầm hạt nhân, hệ thống tên lửa đạn đạo đặt dưới đáy biển, các siêu tàu chở dầu đi qua các eo biển tắc nghẽn và để lại dấu vết dầu loang. Căng thẳng, xung đột gia tăng không ngừng.
Bảo vệ và đối xử công bằng với biển
Ngày 1/11/1967, Đại sứ Malta tại Liên Hợp Quốc, Arvid Pardo, đã yêu cầu các quốc gia trên thế giới "nhìn lại quanh mình và mở to mắt" để thấy một cuộc xung đột sắp xảy ra có thể tàn phá các đại dương, huyết mạch sống còn của con người. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông kêu gọi "một chế độ quốc tế hiệu quả" với lãnh hải và chủ quyền, thái độ "đúng đắn và công bằng với biển".
15 năm ngồi lại và thảo luận về các vấn đề, mặc cả và trao đổi các quyền và nghĩa vụ với biển, năm 1982, đại diện của hơn 160 quốc gia, lãnh thổ có chủ quyền cùng tạo ra Công ước quốc tế về Luật biển.
Theo Điều 21 của Quy chế, ITLOS có thẩm quyền xét xử, hoà giải bất kỳ tranh chấp nào liên quan việc giải thích hoặc áp dụng Công ước. Các tranh chấp có thể liên quan đến việc phân định các vùng biển, hàng hải, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển.
Toà án phân xử tranh chấp giữa các quốc gia thành viên của Công ước, song trong một số trường hợp, đương sự không phải là quốc gia mà có thể là tổ chức quốc tế hoặc doanh nghiệp nhà nước và thực thể tư nhân.
Ngoài các quyền tài phán trên, ITLOS còn có quyền đưa ra bất kỳ biện pháp tạm thời nào phù hợp để ngăn chặn tác hại nghiêm trọng với môi trường biển, trong khi chờ bản án được đưa ra. Quyền lực này được xem như "độc quyền" của ITLOS bởi tính đặc thù. Tôn chỉ đầu tiên của ITLOS là bảo vệ biển, còn việc bên nào đúng-sai, phiên toà sẽ làm sáng tỏ sau.
Các quốc gia buộc phải thực hiện lệnh này, chậm nhất trong 30 ngày. Bản án của ITLOS là cuối cùng, bắt buộc thi hành, không được kháng cáo.
Toà án bao gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn trong số những người có uy tín cao và năng lực cao nhất, được công nhận trong lĩnh vực luật biển. Cũng giống như Toà án Công lý Quốc tế ICJ, các thẩm phán được bầu với nhiệm kỳ 9 năm, không thể có hai người của cùng một quốc gia cơ cấu, quốc tịch các thẩm phán phải được phân bổ theo quy tắc đồng đều.
Các thẩm phán được các Quốc gia thành viên đề cử và sau đó bỏ phiếu, chọn 21 người. Hiện 168 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Công ước, trong đó 27 quốc gia không giáp biển. Tức nếu mỗi quốc gia này đề cử một thẩm phán thì "tỷ lệ chọi" lên tới 8.
Trong 21 gương mặt nhiệm kỳ hiện tại có 6 thẩm phán là nữ, thuộc Ấn Độ, Thái Lan, Hà Lan, Chile, Jamaica và Italy.
Mỗi thẩm phán được hưởng lương theo năm 150.000-180.000 USD và các phụ cấp, đều không bị trừ thuế. Khi nghỉ hưu, chế độ với họ là 1/2 lương đương nhiệm. Chủ toạ và phó Chủ toạ sau đó sẽ do 21 người tự bỏ phiếu kín. Riêng chủ toạ và thư ký sẽ cư trú tại trụ sở ITLOS.
Ngày 2/10/2020, ITLOS đã bầu Thẩm phán Albert J. Hoffmann (Nam Phi) làm Chủ toạ nhiệm kỳ 2020-2023. Ông từng là cố vấn pháp lý cấp cao của chính phủ, Giám đốc vụ Pháp chế, trưởng phái đoàn thường trực của Nam Phi tại Liên Hợp Quốc và thành viên các uỷ ban pháp lý trong các hội nghị quan trọng nhất về luật biển quốc tế.
Sứ mệnh và đặc quyền đi liền trách nhiệm. Điều 7 Quy chế ITLOS nêu, các thẩm phán không được phép thực hiện bất kỳ chức năng chính trị hoặc hành chính nào liên quan doanh nghiệp, tổ chức, hoạt động thương mại nào về thăm dò, khai thác tài nguyên biển.
Được thành lập theo công ước của Liên Hợp Quốc song ITLOS không phải một cơ quan của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trao tư cách quan sát viên cho ITLOS, cho phép tham gia vào các cuộc họp và công việc của Đại hội đồng khi xem xét các vấn đề liên quan.
Dù ITLOS được thành lập dựa trên Công ước Quốc tế về Luật biển nhưng Công ước cho phép các đương sự 4 sự lựa chọn để giải quyết tranh chấp của mình: ITLOS, ICJ, trọng tài, và trọng tài đặc biệt.
Các đương sự có thể lựa chọn một hay nhiều cơ quan tài phán trong bốn cơ quan trên. Nếu các đương sự cùng lựa chọn một cơ quan thì cơ quan đó có quyền thụ lý vụ việc. Nếu lựa chọn khác nhau, hoặc không lựa chọn, tranh chấp phải mang ra tòa trọng tài theo Phụ lục VII.
41 năm từ khi thành lập, ITLOS xét xử 31 vụ án, tức mỗi năm trung bình 1,3 vụ. Vụ kiện tốn nhiều thời gian phân xử nhất của ITLOS là Vụ tàu Norstar giữa nguyên đơn Panama và bị đơn Italy.
Tháng 12/2015, Panama đệ đơn kiện, nội dung tàu Norstar treo cờ Panama có hoạt động "tiếp nhiên liệu" ngoài khơi, ngoài vùng nội thủy của Italy. Song bị quốc gia này bắt giữ tàu vì cho rằng đây thực chất là một phần trong chuỗi hành vi phạm tội, được thực hiện trên lãnh hải Italy. Quốc gia châu Âu cáo buộc Norstar "buôn lậu và trốn thuế".
Panama phản đối, yêu cầu Italy trả tự do cho Norstar và bồi thường 10 triệu USD. Tòa phán quyết việc Italy bắt giữ và giam giữ tàu Norstar treo cờ Panama là vi phạm Điều 87, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, làm suy yếu quyền tự do hàng hải của tàu thuyền. Toà tuyên buộc Italy bồi thường 285.000 USD, lãi suất 2,7% năm, từ 1998 đến thời điểm tuyên án, 10/4/2019. Vụ án được giải quyết sau 3 năm 4 tháng, lâu nhất trong 31 vụ.
Hải Thư (Theo ITLOS)