Từ món tóc giả
Trước đây, quan toà và luật sư đều được yêu cầu “mày râu nhẵn nhụi” để đảm bảo tính trang nghiêm, thẩm mỹ. Tới thời vua Charles đệ nhị (1660-1685), đội tóc giả bỗng trở thành một thứ luật lệ cho cả tòa án Anh và Pháp. Người dự khán ban đầu không phân biệt được đâu giả, đâu thật bởi chúng có màu rất thật. Về sau bộ tóc giả dần to và dài ra, đầy lọn như mì sợi. Giữa thế kỷ XVII, tóc trắng và xám thịnh hành nhất. Nhưng đến triều vua George đệ nghị của Anh thì tóc giả trong tòa án lại bị xếp xó. Năm 1869, báo chí Anh và Pháp bắt đầu bình luận về tóc giả trước chốn công đường, và kết quả khen ít hơn chê. Họ kết luận, thẩm phán và luật sư có thể tháo bỏ mớ đồ giả đó khi trời nóng, và có thể thay bằng một băng vải.
Nguồn gốc của tóc giả bắt nguồn từ giới quý tộc ở châu Âu lục địa từ thế kỷ XIV. Đó là biểu tượng của quyền lực và sự giàu sang.
Tới màu sắc trang phục
Chốn công đường nước Pháp phổ biến 2 màu đen và đỏ. Tuy nhiên việc sử dụng trước kia rất tùy tiện, lúc thì thẩm phán mặc đồ đen, lúc đỏ, còn luật sư lúc đỏ, lúc đen. Tới tháng 7/1811, Paris bắt đầu có quy định cụ thể về màu đỏ của áo quan tòa. Nhiều sử gia cho rằng màu đen trong tòa xuất xứ từ các phiên tòa Ma Mã.
Chuyện ăn mặc của luật sư nữ rất rắc rối. Một thời gian dài họ không được phép mặc quần mà phải dùng váy thụng. Còn giày không được phép là màu nâu hay trắng, do đó hợp thời và hợp lệ nhất là màu đen. Luật sư nữ mà đi xăng đan sẽ bị tống ra khỏi cửa ngay lập tức. Ở Canada từng xảy ra việc nữ luật sư Laura Joy do mặc áo hở cổ mà bị bà chánh án Micheline Rawlins tẩy chay.
Và cái búa “lập lại hòa bình”
Người Pháp gọi nó là maillet, còn người Anh gọi gavel. Khởi thủy, maillet được hiểu là “búa nhỏ dùng để gõ lên một mặt phẳng, mang ý nghĩa khai mạc hoặc bế mạc một sự kiện nào đó”. Về sau, cái búa hai đầu của chánh án được dùng để mở đầu và kết thúc phiên tòa. Sau nữa, một số quan tòa dùng dụng cụ này để lập lại trật tự trong phòng xử. Tiếng rì rầm của những người dự khán, đấu khẩu giữa luật sư hai phía, sự nổi sung của bị cáo ngay lập tức câm bặt khi tiếng búa gỗ vang lên. Hiệu quả như vậy song đến nay không ai biết quan tòa nào là người đầu tiên dùng búa.
(Theo Pháp Luật TP HCM)