![]() |
Logo của SEA Games 21. |
Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được tổ chức hai năm một lần vào giữa chu kỳ Đại hội Olympic và Đại hội Thể thao châu Á. SEA Games lần thứ nhất, khi đó gọi là Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games), được tổ chức ở Bangkok năm 1959. Đây là lần đầu tiên đại hội được tổ chức sau khi Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games Federation) được thành lập vào năm 1958.
Đại hội lần đầu chỉ có số thành viên tham dự tương đương số lượng của một đoàn thể thao của một nước ngày nay, 527 quan chức và vận động viên. Tham dự đại hội có 6 nước thành viên của Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á: Myanmar, Malaysia, Lào, Singapore, Thái Lan, miền Nam Việt Nam. Số lượng môn thi đấu cũng rất khiêm tốn, chỉ có 12 môn.
SEAP Games lần thứ hai ở Myanmar được tổ chức rất tưng bừng từ ngày 11 đến 16/12/1961. Số lượng người tham dự đại hội đã đông hơn lần đầu, 800 vận động viên thi đấu ở 13 môn thể thao.
Việc đăng cai tổ chức SEA Games được trao cho các nước thành viên theo thứ tự vần chữ cái, nên tới năm 1963, Campuchia đến lượt đăng cai. Tuy nhiên quốc gia này không đủ điều kiện để làm chủ nhà. Lào, nước tiếp theo trong danh sách, cũng khó khăn về tài chính nên SEAP Games 3 được trao cho Malaysia tổ chức vào năm 1965.
Sau khi Campuchia tiếp tục khước từ đăng cai SEAP Games 4 năm 1967, Bangkok đã lần thứ hai trở thành chủ nhà của đại hội. Lúc này, số môn thi đã được tăng lên 16.
Theo thứ tự, miền Nam Việt Nam phải là chủ nhà của SEAP Games kế tiếp, nhưng đã thoái thác vì những lý do nội bộ. Rangoon (Myanmar) đã tổ chức thành công SEAP Games 5 với 15 môn thi vào năm 1969.
SEAP Games 6 diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 1971. Năm 1973, Singapore đăng cai SEAP Games 7 với sự tham gia của gần 1.000 quan chức và vận động viên.
Năm 1975, những biến động về chính trị ở bán đảo Đông Dương đã khiến cho SEAP Games 8, được tổ chức ở Thái Lan, chỉ hội tụ được 4 quốc gia thành viên. Trước tình hình này, Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á quyết định mở rộng thành phần bằng cách kết nạp thêm một số thành viên mới: Indonesia, Philippines và Brunei. Kể từ năm 1977, đại hội tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) được mang tên SEA Games lần thứ 9.
Với cơ sở vật chất dồi dào và lực lượng vận động viên hùng hậu, thành viên mới Indonesia nhanh chóng đảm nhận việc đăng cai tổ chức SEA Games 10 tại Jakarta từ 21 đến 30/9/1979. Tiếp đó, Philippines giữ vai trò chủ nhà SEA Games 11 vào năm 1981.
SEA Games 12 được tổ chức tại Singapore, từ 18/5 đến 6/6/1983, với nhiều kỷ lục mới trong đó có hai kỷ lục châu Á về chạy tiếp sức 4 x 100 m nam và bơi 800 m tự do nữ. SEA Games 13 trở lại Bangkok (Thái Lan).
Số lượng môn thi tăng vọt lên con số 28 tại SEA Games 14 ở Jakarta, Indonesia, và lượng người tham dự cũng đạt con số kỷ lục, so với các kỳ đại hội trước đó: 3.000 quan chức và vận động viên.
SEA Games 15 được tổ chức từ 20 đến 31/8/1989 tại Kuala Lumpur (Malaysia) với 9/10 quốc gia tham dự và được coi là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lớn nhất cho tới thời điểm đó. Sự tham gia trở lại của Lào và Việt Nam sau 16 năm gián đoạn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực. SEA Games 15 đồng thời cũng là một điển hình của sự thành công về mặt tài chính. Theo quy định, toàn bộ lợi nhuận và tài chính thu được từ việc tổ chức SEA Games thuộc về nước đăng cai đại hội. Ban tổ chức SEA Games 15, Malaysia, đã rút kinh nghiệm từ Olympic Los Angeles 1984 và thu lợi 4,5 triệu ringgit. Đây cũng là đại hội lần tiên có tổ chức rước đuốc.
Philippines là chủ nhà của SEA Games 16, diễn ra từ 24/11 đến 5/12/1991, với số lượng người tham dự là 4.037 và số môn thi đấu là 28.
Với cơ sở hạ tầng hàng đầu châu Á và trình độ tổ chức tuyệt vời, Singapore đã đăng cai SEA Games 17 rất thành công với những con số kỷ lục: 29 môn thể thao, 4.511 người tham dự, hơn 2.000 phóng viên báo chí theo dõi và đưa tin. Sự hiện đại hoá các địa điểm thi đấu, mạng lưới thông tin liên lạc hoàn hảo, lễ khai mạc, bế mạc độc đáo và đầy ấn tượng đã nâng cao uy tín của quốc đảo này trong lịch sử tổ chức SEA Games.
Lần đầu tiên SEA Games không được tổ chức tại thành phố thủ đô của nước đăng cai là SEA Games 18. Đại hội đã diễn ra ở Chiang Mai, một thành phố có 700 tuổi đời ở phía Bắc Thái Lan. Đây cũng là lần đầu tiên cả 10 quốc gia ASEAN cùng tham dự với 4.306 quan chức và vận động viên tham dự 28 môn thi đấu.
SEA Games 19 diễn ra tại Indonesia với sự tham dự của cả 10 quốc gia Đông Nam Á, 34 môn thể thao và 440 bộ huy chương. Nước chủ nhà dẫn đầu chung cuộc với 194 huy chương vàng.
SEA Games 20, đại hội thể thao khu vực cuối cùng của thế kỷ 20 được tổ chức tại Brunei, quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á, nên quy mô của nó cũng nhỏ hơn nhiều so với các kỳ đại hội trước, chỉ có 2.336 vận động viên với 21 môn thi.
(Theo Ủy ban Olympic VN)