Túi nôn được sáng chế bởi Gilmore Tilmen Schjedahl, một nhà sản xuất Mỹ, vào năm 1949. Kể từ đó, túi nôn có lớp tráng bằng nhựa được đặt cố định ở các lưng ghế của hành khách. Ngày nay, mặc dù công nghệ hàng không tiên tiến và nhiều biện pháp tiết kiệm được sử dụng, chiếc túi nôn vẫn còn thiết thực cho những người say máy bay.
Ban đầu, công dụng đầu tiên của những chiếc túi trên máy bay là để đựng thức ăn. Về sau, Northwest Orient (sáp nhập với Delta vào năm 2010) là hãng hàng không đầu tiên sử dụng chúng để phục vụ người say máy bay. Từ đó trở đi, túi nôn trở thành vật dụng chính thức trên phi cơ.
Năm 2004, hãng Virgin Atlantic giới thiệu một bộ túi nôn phiên bản đặc biệt gồm 20 chiếc. Tuy nhiên, chúng không tồn tại lâu do mọi người thường đem về để làm lưu niệm. Về sau, các mẫu này đều được đóng khung trưng bày trong phòng chờ tại sân bay Heathrow, London, Anh.
Túi nôn trên máy bay không chỉ dùng giải quyết lúng túng cho hành khách bị say. Chúng gồm nhiều mẫu mã lạ, có thể kết hợp thành vật quảng cáo đẹp mắt. Một số hãng hàng không bao gồm Spirit Airlines, dùng túi nôn để quảng cáo. Năm 2004, Virgin Atlantic giới thiệu phần 3 của bộ phim Star Wars trên những chiếc túi này.
Năm 2009, Michael O'Leary, ông chủ hãng hàng không Ryanair, đưa ra một đề nghị gây tranh cãi là hành khách phải trả phí dùng túi nôn trên máy bay.
Năm ngoái, hãng hàng không Australia Qantas tổ chức cuộc thi sáng tạo túi nôn nghệ thuật cho các hành khách.
Đầu năm vừa rồi, Nick Cave xuất bản một cuốn sách tên là Bài hát túi nôn (The Sick Bag Song), ghi lại hành trình Bắc Mỹ năm 2014 của Nick bằng những chiếc túi nôn đề chữ nguệch ngoạc.
Túi nôn còn được trưng bày trong Bảo tàng túi nôn ảo (Air Sickness Bag Virtual Museum) do Steven J Silberberg, phụ trách là nơi trưng bày hơn 2.600 mẫu thiết kế khác nhau.
Niek Vermeulen, người giữ kỷ lục thế giới vì có bộ sưu tập túi nôn lớn nhất, bao gồm 6.290 chiếc của 1.191 hãng hàng không đến từ 200 nước khác nhau. Người đàn ông Hà Lan này bắt đầu sưu tầm từ những năm 1970.
Hương Chi (theo Telegraph)