Thứ tư, 25/12/2024
Thứ hai, 2/11/2015, 14:02 (GMT+7)

Lịch sử biến đổi gene động vật qua 10 thí nghiệm lạ

Trong vài thập kỷ gần đây, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều thí nghiệm chỉnh sửa gene trên động vật, phục vụ chăn nuôi lấy thịt, hay sở thích nuôi thú cưng của con người.

Năm 1996, các nhà khoa học Anh tạo ra con cừu nhân bản vô tính đầu tiên tên là Dolly, bằng cách chuyển nhân của một tế bào trưởng thành vào trong một quả trứng chưa thụ tinh bị loại bỏ nhân. Quá trình trên được gọi là chuyển nhân tế bào. Điều đáng buồn là cừu Dolly chết khi mới 6 tuổi do bệnh phổi. Ảnh: Business Insider

Năm 2002, các nhà nghiên cứu tại Caltech đã tạo ra những con chuột phát sáng trong bóng tối, bằng cách tiêm vào phôi thai chuột một loại virus chứa gene có khả năng phát sáng huỳnh quang màu xanh lá cây. Kể từ đó, giới khoa học đã liên tiếp thành công khi tạo ra cá, mèo và nhiều loài động vật khác phát sáng được trong bóng tối. Ảnh: Ingrid Moenet et al

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Alberta, Canada phát hiện loại vi khuẩn sản sinh khí mêtan, và trong năm 2009 họ tạo ra một dòng gia súc sản xuất lượng khí thải nặng mùi ít hơn 25% so với bò thông thường. Điều này rất quan trọng vì khí mêtan từ những con bò là nguồn phát thải chính của khí nhà kính, gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ảnh: Flickr

Năm 2012, các nhà khoa học thuộc Đại học Wyoming, Mỹ tạo ra những con dê có khả năng sản xuất sữa chứa một loại protein có trong tơ nhện. Tơ là loại vật liệu hữu ích, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học vật liệu, y học, và thật khó để những con nhện tạo ra đủ lượng tơ cần thiết cho con người. Ảnh: National Science Foundation

Năm 2012, AgResearch, công ty thuộc sở hữu của chính phủ New Zealand, tạo ra giống bò sản xuất sữa không chứa β-lactoglobulin, một trong những protein gây dị ứng cho nhiều người. Sữa cũng chứa nhiều casein hơn, một loại protein bổ dưỡng. Ảnh minh họa: Flickr

Cá hồi biến đổi gene AquAdvantage (R) do công ty AquaBounty Technologies, Mỹ chế tạo chứa một gene lấy từ cá hồi Chinook, khiến chúng phát triển rất nhanh và có thể dùng làm thực phẩm. Loại cá hồi này đang được Cục quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét để đưa vào nuôi trồng thương mại. Ảnh: AquaBounty Technologies

Theo Nature News, trong vài năm qua, giới khoa học đã tìm ra cách để chỉnh sửa gene dễ dàng và chính xác hơn nhiều. Đầu năm 2015, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã sử dụng công nghệ gọi là TALEN để chỉnh sửa gene lợn, khiến chúng sản xuất ra nhiều bắp thịt hơn. Ảnh: Jin-Soo Kim

Không chỉ phục vụ nghiên cứu và chăn nuôi, biến đổi gene còn từng bước được ứng dụng để phục vụ thú vui nuôi động vật cảnh của con người. Các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene mới gọi là CRISPR/Cas9 để sửa đổi gene của lợn Bama, khiến chúng có kích thước nhỏ xíu để đem bán ra thị trường. Ảnh: BGI

Nature News cho biết, công nghệ chỉnh sửa gene cũng góp phần tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực y học. Nhà di truyền học George Church thuộc Đại học Harvard, Mỹ và cộng sự gần đây đã sửa đổi nhiều hơn 60 gene trong phôi lợn, gấp 10 lần số gene các nhà khoa học chỉnh sửa trong bất kỳ loài động vật nào khác, tạo ra những con vật phù hợp có thể hiến nội tạng cấy ghép cho con người. Ảnh minh họa: Flickr

Các nhà khoa học không phải là những người duy nhất làm các thí nghiệm về biến đổi gene trên động vật. Năm 2000, nghệ sĩ Eduardo KAC tạo ra một con thỏ bạch tạng phát ra sáng màu xanh trong bóng tối. Nó được gọi là thỏ GFP. Ảnh: Eduardo Kac

Lê Hùng