Sự phiền hà của lì xì không còn là chuyện gì mới mẻ. So với nhiều người khác, nỗi phiền hà của Dương thậm chí còn khá dễ chịu. Một đồng nghiệp chia sẻ với tôi cô từng chứng kiến ánh mắt khó xử, áy náy của người chị họ từ miền Nam về quê ăn Tết khi đứng trước đám trẻ đang hồn nhiên chờ mừng tuổi. Lương công nhân ba cọc ba đồng khiến chị không dễ dành ra một khoản dự trù rộng rãi để lì xì cho đám cháu, mà chỉ sau dăm ba năm chị không về, đã tăng lên gấp đôi gấp ba.
Người trao gặp áp lực, người nhận lắm lúc cũng khó xử không kém. Cậu con út của anh trai tôi từng nhiều phen đẩy bố mẹ vào cảnh muối mặt. Hễ thấy ai đến, chỉ vừa bước chân vào cửa, chưa kịp cởi giày dép, bé đã chạy ào ra vòi vĩnh: "Lì xì cho cháu đi". Không ít vị khách rơi vào bị động vì không chuẩn bị sẵn bao lì xì. Trong khi đó, hàng xóm của anh từng "giận tím người" vì đứa con nhanh tay bóc phong bao trước mặt khách rồi lăn ra dỗi vì "ít quá, chỉ có 10.000 đồng".
Tục lệ mừng tuổi con trẻ, có từ ngàn đời nay, ngày một trở nên phiền phức trong xã hội hiện đại. Phú quý sinh lễ nghĩa đã làm biến tướng một phong tục tốt đẹp. Không còn giữ được ý nghĩa gốc về "món tiền nhỏ may mắn", lì xì trở thành gánh nặng với không ít người. Không chỉ ở Việt Nam, tại một số quốc gia Đông Á, món tiền trong phong bao đã lớn dần lên từ lúc nào không hay. Những cuộc thảo luận về cái gọi là "giá thị trường chấp nhận được" đối với một phong bao lì xì ngày Tết đã diễn ra ở nhiều nơi. Hành vi "lăn ra dỗi" không chấp nhận món mừng tuổi 10.000 đồng của cậu bé tôi vừa kể trên là kết quả của tâm lý thất vọng do giá trị nhận được thấp hơn giá trị kỳ vọng. Đứa trẻ có thể còn quá nhỏ, hoặc không được hướng dẫn để hiểu rằng, người lớn thường chọn tờ tiền 10.000 đồng có sắc đỏ vàng, với hy vọng người nhận gặp nhiều may mắn.
Lì xì còn biến tướng đến mức khó nhận ra, trở thành cuộc vay - trả của người lớn, thành một dịp đưa - nhận hối lộ tinh vi. Tất cả những mặt trái này khiến không ít người cực đoan cho rằng, nên bỏ tục lì xì ngày Tết.
Tôi nghĩ không nên.
Bởi đây là một phong tục, một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền có từ ngàn xưa. Bản thân tục lì xì không có lỗi. Lỗi là ở chính những người đang thực hiện. Vì vậy, điều quan trọng là "thanh lọc" suy nghĩ, nhận thức, hành vi của mỗi người để trả tục lì xì về với vẻ đẹp nguyên sơ vốn có. Hãy bắt đầu sự "thanh lọc" bằng ý thức: lì xì là trao tặng một chút tiền nhỏ với mong ước người nhận - trẻ nhỏ - có năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc và thành công. Vì thế, giá trị của bao lì xì không nằm ở số tiền mà ở chính tình cảm và những ước mong tốt đẹp của người trao tặng gửi gắm.
Hiểu đúng ý nghĩa ấy tốt đẹp ấy, cha mẹ hãy giảng giải cho con, tránh nhận thức sai lệch về lì xì, dẫn đến tâm lý thực dụng, chê bai số tiền mừng tuổi. Phụ huynh cũng nên cũng dạy con cách đón nhận bao lì xì bằng hai tay cùng lời "cảm ơn"; qua đó, giáo dục con về phép đối nhân xử thế, lòng biết ơn khi nhận quà và thái độ không phân biệt, kỳ thị nhiều - ít, giàu - nghèo.
Lì xì cũng là cơ hội để dạy trẻ về cách quản lý tài chính. Bao nhiêu tiền dành để nuôi lợn tiết kiệm. Bao nhiêu tiền dành để mua sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi. Và bao nhiêu tiền dành để giúp đỡ trẻ em nghèo khó. Nếu làm được điều đó, các bậc cha mẹ không chỉ duy trì một phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của tổ tiên mà còn nuôi dưỡng cho con tình thương, sự sẻ chia, trau dồi kỹ năng sống.
Tôi hàng chục năm nay vẫn duy trì tục lì xì ngày Tết. Có điều, thay bằng lì xì tiền, tôi mua sách, đồ chơi tặng các bé. Những món quà ấy sẽ giúp các cháu hình thành thói quen đọc sách, phát triển trí tuệ, nuôi dưỡng những hạt giống thiện lành.
Nhận thức đúng về ý nghĩa của lì xì cũng giúp người lớn cởi bỏ được áp lực vô hình do chính mình tạo ra; không còn phải lo lắng, sợ hãi chuyện mình lì xì nhiều hay ít, miễn là bằng cái tâm hoan hỉ, an vui.
Hoàng Anh Sướng