Li Na đưa ra lý do nghỉ hưu là bởi chấn thương đầu gối đã hành hạ cô suốt thời gian dài vừa qua. Tay vợt 32 tuổi là người phụ nữ châu Á đầu tiên và duy nhất vô địch một giải Grand Slam khi nâng cao danh hiệu Pháp Mở rộng năm 2011. Năm 2014, cô tái hiện chiến tích này ở Australia Mở rộng và qua đó đạt tới đỉnh cao sự nghiệp ở vị trí số hai thế giới. Trước khi giải nghệ, Li Na đang đứng thứ sáu trên bảng thứ tự của WTA.
Nhưng người hâm mộ sẽ luôn nhớ về Li Na với những thành tựu trên sân. Cô có một tính cách đặc biệt, thích nói thẳng và có khiếu hài hước. Chính những điều như thế đã giúp Li Na trở thành một trong những vận động viên hiếm hoi của Trung Quốc đưa hình ảnh của bản thân vượt rất xa khỏi biên giới đất nước.
Li Na sinh tại Vũ Hán vào năm 1982. Xuất thân từ một vận động viên cầu lông, cô bắt đầu chơi quần vợt từ năm lên tám và là một trong những sản phẩm của "dây chuyền đào tạo vận động viên" để đạt thành tích cao ở các giải đấu lớn của Trung Quốc. Li Na sau này trở thành VĐV chủ lực của đội tuyển quốc gia, nhưng theo báo chí Trung Quốc, cô không ưa HLV của đội tuyển và tỏ ra bất mãn về việc chia tiền thưởng.
Sau Olympic Bắc Kinh 2008, Li Na đưa ra một quyết định nguy hiểm: rời bỏ đội tuyển quốc gia và bắt đầu “chơi sôlô”. Cô và chồng mình là Jiang Shan đã phải sống rất tiết kiệm trong những ngày đầu khi bị cắt viện trợ. Nhưng những nỗ lực nhanh chóng được đền đáp.
Năm 2010, Li Na vào đến bán kết Australia Mở rộng và đặt chân vào top 10 trên bảng thứ tự WTA. Cô ngày càng trở thành một đối thủ khó chơi và một năm sau đó vô địch Pháp Mở rộng.
Trong khi chiến thắng này được tung hô ở Trung Quốc và toàn thế giới ghi nhận, Li Na khiến mọi người chưng hửng khi nói rằng cô gặp rắc rối với các chính sách quản lý thể thao ở Trung Quốc và cả giới truyền thông.
Tại cuộc họp báo sau chiến thắng ở Paris, Li Na cảm ơn các HLV, nhà tài trợ và những người đã giúp cô nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì đến quê hương Trung Quốc, một điều bất thường với một ngôi sao thể thao của đất nước này.
Tất nhiên, Li Na đã nhận phải một làn sóng chỉ trích dữ dội từ những người cho rằng cô nợ tổ quốc và không yêu nước. Tuy nhiên, cũng có một số lên tiếng bênh vực Li Na.
Năm 2013, trước khi bị loại ở tứ kết Wimbledon, một nhà báo Trung Quốc hỏi Li Na rằng liệu cô có cảm thấy áp lực khi đại diện cho đất nước mình, và cô đáp gọn lỏn: “Sao tôi phải cảm thấy điều đó?”.
Tờ Nhân dân nhật báo sau đó đã cảnh cáo Li Na không nên để cá tính vượt quá tầm kiểm soát, trong khi Tân Hoa Xã cho rằng những lời nói của Li Na đã gây tổn thương cho nhiều người.
Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, vẫn có những tiếng nói bênh vực Li Na, trong đó có những blogger, những thành viên có tiếng tăm trên các mạng xã hội của Trung Quốc. Những người này chỉ ra rằng tờ Nhân dân nhật báo không đủ tư cách để dạy Li Na cách ứng xử. Trong khi đó, blogger Li Chengpeng cho rằng cách tốt nhất để thể hiện tình yêu nước không phải qua những câu khẩu hiệu và "ngay cả những nhà lãnh đạo cũng không thể một mình gánh vác đất nước chứ đừng nói gì đến một vận động viên".
Trong lá thứ chia tay người hâm mộ, Li Na viết: “Năm 2008, tôi chỉ có hai giải đấu chuyên nghiệp ở Trung Quốc, nhưng đến nay con số đã nâng lên thành 10 - trong đó có một giải đấu ở Vũ Hán quê hương của tôi. Đó là điều mà theo tôi là rất phi thường”.
Rõ ràng, trong tâm trí của cựu tay vợt này luôn tồn tại mong muốn đưa quần vợt trở nên phổ biến hơn tại Trung Quốc và cô đã làm được điều đó, không bằng những khẩu hiệu.
Chắc chắn, sẽ rất lâu nữa, quần vợt thế giới mới tìm được một Li Na tài năng và cá tính như thế.