"Hôm nay, tôi kêu gọi quân đội Myanmar ngừng đàn áp ngay lập tức. Hãy thả các tù nhân. Hãy chấm dứt bạo lực. Tôn trọng nhân quyền và ý nguyện của người dân được thể hiện trong các cuộc bầu cử gần đây", ông Guterres nói trong bài phát biểu thường niên trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ). Bài phát biểu đã quay video từ trước.
"Các cuộc đảo chính không có chỗ đứng trong thế giới hiện đại của chúng ta", ông Guterres nhấn mạnh.
Tuyên bố được đưa ra sau vụ đối đầu đẫm máu nhất hồi cuối tuần từ khi quân đội Myanmar đảo chính, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Cảnh sát hôm 20/2 nổ súng vào người biểu tình tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.
Quân đội Myanmar nói rằng họ sử dụng "các biện pháp giải tán đám đông theo quy định", cáo buộc một số tội phạm khét tiếng cùng băng đảng "sử dụng gậy, dao, máy bắn đá và các vật liệu tương tự vũ khí khác để tấn công các thành viên lực lượng an ninh".
Ông Guterres lên án "bạo lực chết người" ở Mandalay, nhấn mạnh "việc sử dụng vũ lực gây chết người, đe dọa và quấy rối chống lại người biểu tình ôn hòa là không thể chấp nhận được". Bộ Ngoại giao Myanmar đáp trả, cáo buộc Liên Hợp Quốc và một số nước "can thiệp trắng trợn" vào công việc nội bộ của nước này.
Từ khi quân đội tiếp quản, 640 người Myanmar đã bị bắt giam, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, gồm công nhân đường sắt, công chức và nhân viên ngân hàng, những người đã nghỉ việc như một phần của chiến dịch chống đảo chính.
"Chúng tôi nhận thấy sự phá hoại nền dân chủ, sử dụng vũ lực tàn bạo, bắt tùy tiện và đàn áp. Đây là những hạn chế về không gian dân sự", Guterres cảnh báo hội đồng.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc lên tiếng "ủng hộ hoàn toàn người dân Myanmar trong việc theo đuổi dân chủ, hòa bình, nhân quyền và pháp quyền". Ông cũng hoan nghênh nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua đầu tháng này, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà Suu Kyi.
Bất chấp cảnh báo chịu thiệt hại về nhân mạng, hàng chục nghìn người biểu tình hôm nay tập hợp ở Yangon, thành phố và trung tâm thương mại lớn nhất Myanmar, để tiếp tục phản đối đảo chính.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 21/2 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hành động cứng rắn nhằm vào những người gây ra bạo lực chống lại người dân Myanmar. Chính phủ Mỹ hồi giữa tháng đã áp đặt cấm vận nhằm vào lãnh đạo chính quyền quân sự và nhiều quan chức quân đội Myanmar.
Phần lớn đất nước Myanmar trở nên hỗn loạn sau vụ đảo chính hôm 1/2. Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường suốt nhiều ngày qua để biểu tình phản đối đảo chính, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội. Ít nhất ba người đã thiệt mạng do trúng đạn từ lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình, trong khi quân đội Myanmar thông báo một sĩ quan cảnh sát cũng tử vong vì vết thương quá nặng khi đụng độ người biểu tình ở Mandalay.
Chính quyền quân sự của Myanmar đến nay vẫn tỏ ra không quan tâm tới những động thái lên án từ quốc tế. Anh, Mỹ và Canada đều đã tung ra các lệnh trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh quân đội hàng đầu nước này. Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) hôm nay tuyên bố đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar vì cuộc đảo chính.
Bà Suu Kyi, bị cáo buộc nhập khẩu trái phép bộ đàm và vi phạm luật quản lý thiên tai, vẫn chưa xuất hiện trước công chúng từ khi bị bắt. Luật sư cho hay Suu Kyi đã gặp một thẩm phán qua cuộc gọi video nhưng các luật sư không thể tham dự vì chưa được cấp giấy ủy quyền. Cố vấn Nhà nước Myanmar dự kiến xuất hiện trong phiên điều trần ngày 1/3.
Huyền Lê (Theo AFP)