Sau quá trình đàm phán căng thẳng xuyên đêm, Ai Cập, quốc gia chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP27), sáng sớm nay công bố dự thảo thỏa thuận chung và triệu tập một phiên họp toàn thể để thông qua, Reuters đưa tin.
Phiên họp thông qua thiết lập một quỹ đặc biệt để giúp bù đắp thiệt hại mà các quốc gia đang phát triển phải hứng chịu, do những sự kiện liên quan khí hậu gây ra. Phiên họp tạm nghỉ khi Thụy Sĩ đề nghị thêm thời gian để xem xét các nội dung khác.
Nhiều phái đoàn dự COP27 hoan nghênh động thái. Collins Nzovu, Bộ trưởng phụ trách kinh tế xanh và môi trường Zambia, nói ông "rất phấn khích", mô tả đây là "kết quả rất tích cực cho 1,3 tỷ người dân châu Phi".
"Khi COP27 bắt đầu, việc bàn về những thiệt hại và tổn thất thậm chí còn không nằm trong chương trình nghị sự và giờ đây, chúng ta đang làm nên lịch sử", Mohamed Adow, giám đốc điều hành viện chính sách Power Shift Africa, trụ sở Kenya, nói.

Mô hình Trái đất tại đại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm el-Sheikh, thành phố Sharm el-Sheikh, nơi diễn ra COP27, ngày 19/11. Ảnh: AFP
Việc lập quỹ đặc biệt dự báo tạo ra nhiều tranh cãi. Một "ủy ban chuyển tiếp" sẽ đưa ra khuyến nghị để các quốc gia thông qua tại COP28 vào tháng 11/2023. Các khuyến nghị dự kiến bao gồm "xác định và mở rộng các nguồn tài trợ", nhắc đến quốc gia nào nên đóng góp cho quỹ.
Các quốc gia đang phát triển trước đó liên tục thúc đẩy đưa việc thiết lập quỹ ra thảo luận tại COP27, bắt đầu từ ngày 6/11 tại Ai Cập, để buộc các nước giàu có, gây ô nhiễm có trách nhiệm.
Với việc toàn cầu đã ấm lên khoảng 1,2 độ C, thế giới gần đây chứng kiến nhiều thảm họa thời tiết cực đoan, từ lũ lụt ở Pakistan đến hạn hán ở Somalia, cho thấy nguy cơ mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt. Ngân hàng Thế giới ước tính đợt lũ lụt lịch sử ở Pakistan năm nay sẽ gây tổn thất khoảng 30 tỷ USD cho nước này.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)