Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua đồng thuận không cần bỏ phiếu với nghị quyết được Cyprus đề xuất thay mặt Bulgaria, Canada, Costa Rica và Bờ biển Ngà, trong đó kêu gọi nước chủ nhà Mỹ "dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại vẫn còn tồn tại với nhân viên của một số phái đoàn và thành viên Ban thư ký của một số quốc gia nhất định".
Dù không nêu tên các quốc gia cụ thể, nghị quyết chủ yếu nhằm vào các hạn chế đối với nhân viên ngoại giao Iran, cũng như việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Nga hồi tháng 9 năm ngoái, các nhà ngoại giao cho biết cùng ngày.
Liên Hợp Quốc đã xem xét nghiêm túc các hạn chế đi lại cùng lập luận của "hai phái đoàn" nói rằng họ bị cản trở thực hiện nhiệm vụ, nghị quyết của Đại hội đồng cho biết thêm.
Không giống những nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua, nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc, nhưng vẫn có sức nặng về chính trị.
Các nhà ngoại giao và Ngoại trưởng Iran từ mùa hè năm nay đã bị hạn chế đi lại một cách nghiêm ngặt khi tới New York, Mỹ dự họp Liên Hợp Quốc. Họ chỉ được phép di chuyển ở khu vực hạn chế xung quanh trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, phái bộ Iran và nơi ở của đại sứ Iran tại Mỹ.
Nghị quyết của Đại hội đồng cũng đề cập đến việc 18 nhà ngoại giao Nga đã bị từ chối thị thực vào Mỹ hồi tháng 9, cho biết Liên Hợp Quốc "bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc không cấp thị thực cho các đại diện của một số quốc gia thành viên nhất định".
Căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng từ tháng 5 năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) và áp các lệnh trừng phạt với Tehran. Vào tháng 9, khi đang tham gia cuộc họp thường niên của Đại hội đồng, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã phàn nàn ông không thể đến thăm đại sứ Liên Hợp Quốc tại một bệnh viện của Mỹ.
Theo các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc, trong bữa ăn trưa được Nhà Trắng tổ chức vào đầu tháng 12 dành cho các thành viên của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã nói với Trump rằng việc từ chối cấp thị thực cho các nhà ngoại giao sẽ tổn hại tới hình ảnh nước chủ nhà của Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết không rõ về vấn đề này và sẽ yêu cầu các quan chức trong chính quyền xem xét lại.
Việc các nhà ngoại giao Nga bị Mỹ từ chối cấp visa đã dẫn đến sự chậm trễ trong công việc của các ủy ban liên quan. Liên Hợp Quốc đang xem xét khả năng tổ chức các phiên họp tại trụ sở Geneva hoặc Vienna vào năm 2020 nếu vấn đề này vẫn còn tiếp diễn.
Ngọc Ánh (Theo AFP)