"Biến đổi khí hậu đang xảy ra thật kinh khủng, nhưng đó mới là khởi đầu", ông Gutterres ngày 27/7 tuyên bố. "Vẫn có thể kiềm chế đà tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C và tránh được kịch bản biến đổi khí hậu tồi tệ nhất. Nhưng chúng ta phải hành động quyết liệt ngay lập tức".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra cảnh báo sau khi các nhà khoa học xác nhận ba tuần qua là thời gian nóng nhất từ trước tới nay. Tháng 7 đang trên đà trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử nhân loại.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S), nhiệt độ toàn cầu tháng 7 đã phá vỡ nhiều kỷ lục nắng nóng.
Carlo Buontempo, giám đốc C3S, cho biết nhiệt độ trong tháng này cao tới mức các nhà khoa học tin rằng nó đã phá vỡ các kỷ lục từng được ghi nhận từ những năm 1940.
Ông cho biết những dữ liệu đại diện cho khí hậu như vòng gỗ và lõi băng cho thấy nhiệt độ trong giai đoạn này có thể là "chưa từng có trong lịch sử vài nghìn năm qua", thậm chí là khoảng 100.000 năm. Tháng nóng nhất trước đây từng được ghi nhận vào tháng 7/2019.
"Nhân loại đang ngồi trên chiếc ghế nóng bỏng", ông Guterres nói. "Đối với nhiều vùng rộng lớn ở Bắc Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Âu, mùa hè năm nay vô cùng khắc nghiệt. Đối với cả hành tinh, mùa hè năm nay là thảm họa. Đối với các nhà khoa học, con người rõ ràng phải chịu trách nhiệm".
"Tất cả điều này khớp với những dự đoán và cảnh báo liên tục được nhắc đi nhắc lại. Điều ngạc nhiên duy nhất là tốc độ biến đổi khí hậu", ông nói tiếp. "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã hết. Kỷ nguyên đun sôi toàn cầu đã tới".
Ông Guterres kêu gọi các chính trị gia hành động nhanh chóng. "Không khí không thở nổi, cái nóng không chịu nổi, lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch và việc ngồi im không hành động là không thể chấp nhận. Lãnh đạo phải là người đi đầu. Không thể chần chừ, không thể viện cớ, không thể chờ đợi người khác làm trước, bởi đơn giản là không còn thời gian".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận định các bước triển khai năng lượng tái tạo mạnh mẽ và cải thiện trong một số lĩnh vực như vận chuyển, cho thấy "một số tiến bộ" nhưng "không cái nào đủ xa và đủ nhanh" và cần "tăng tốc".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)