
Nhiều người dân Kobani sợ cảnh đi di cư nên cố bám trụ tại thành phố. Ảnh: AP
Ông Mistura thúc giục các nước liên quan hành động để tránh nguy cơ thảm sát ở Kobani, sau khi các phiến quân IS chiếm giữ các trụ sở của lực lượng người Kurd bảo vệ thành phố này, theo The Guardian.
"Hàng nghìn người có thể thiệt mạng nếu Kobani rơi vào tay các phiến quân. Mọi người hãy làm tất cả để ngăn điều này lại", ông Mistura nói với các phóng viên tại Geneva, Thụy Sĩ.
Theo ông Mistura, khoảng 500-700 người già và các công dân khác vẫn đang mắc kẹt ở Kobani, trong khi 10.000 - 13.000 cũng kẹt gần biên giới. "Các bạn vẫn nhớ vụ thảm sát Srebrenica chứ. Chúng ta chưa bao giờ quên và có thể không bao giờ tha thứ cho chính mình vì điều đó. Ở đây có nguy cơ hiển hiện với người dân mà chúng ta không thể im lặng", ông Mistura nói.
Ông Mistura so sánh tình hình ở Kobani với cuộc thảm sát Srebrenica hồi năm 1995 trong cuộc nội chiến của Bosnia khiến khoảng 8.000 người chết. Thảm kịch tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Một sự kiện tiêu biểu cho thấy sự thất bại của quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến.
Đến nay IS kiểm soát hơn hai phần ba thành phố và nếu lực lượng người Kurd không nhận thêm được đạn dược và lương thực thì có nguy cơ thất thủ trong vài ngày, Mustafa Abdi, một nhà hoạt động xã hội nói với The Guardian.
"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép các nguồn cung đi qua biên giới và họ (lực lượng người Kurd) đang hết mọi thứ, thậm chí cả vũ khí, đó là lý do vì sao IS đang chiếm được nhiều khu vực hơn. Trong khi các cuộc không kích diệt được 5 tên thì IS có thêm 50 lính mới", Abdi nói.
Các chiến binh người Kurd được cấp thêm dao nếu hết đạn. Không ai trông đợi sống sót nếu họ không đẩy lui được các phiến quân IS. Tại Kobani, người đứng đầu hội đồng thành phố Anwar Muslim nói các phiến quân IS kiểm soát gần một phần ba thị trấn, chúng lái xe đánh bom tự sát vào trung tâm nhằm đẩy lui lực lượng người Kurd. Ông này cũng cảnh báo cuộc thảm sát nếu Lực lượng Đơn vị Phòng vệ Nhân dân (YPG) không nhận thêm được thêm vũ khí và lương thực từ bên ngoài.
"Các phiến quân IS đang cố gắng vào thành phố để giết chóc người dân, những người còn ở lại. Bạn có thể nghe thấy âm thanh của chiến tranh quanh đây. Chúng tôi sẽ trụ lại đến phút cuối", Muslim nói qua điện thoại.
Theo Abdi, người dân Kobani lo sợ cảnh di cư nên muốn chết ở nhà hơn là ngủ trên đường phố, và hầu hết họ không có tiền. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, những tiếng súng máy, tiếng nổ lựa đạn và pháo vang lên ở dọc biên giới, những cột khói lớn bốc lên nghi ngút.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang chịu áp lực phải hỗ trợ bảo vệ thành phố Kobani. Các quan chức nước này bị cả dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích vì không hành động, họ cho rằng sẽ không "sa lầy" vào cuộc chiến ở Syria, đẩy hơn 1,2 triệu người sang biên giới, trở thành "cơn đau đầu" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken bày tỏ lo ngại nếu thiếu lực lượng trên bộ ở Kobani thì các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh cũng khó ngăn cản bước tiến của IS và thành phố này sẽ rơi vào tay IS. Các quan chức quân sự Mỹ sẽ tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới khi Washington tăng cường việc thuyết phục nước này thể hiện vai trò tích cực hơn trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Khánh Lynh