Dự thảo nghị quyết mới được Ukraine đệ trình tại phiên họp khẩn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 23/3, trong đó yêu cầu Nga "lập tức dừng các hành động thù địch với Ukraine, đặc biệt là bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào dân thường và mục tiêu dân sự".
Dự thảo nghị quyết cũng lặp lại lời tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, kêu gọi Moskva "ngừng chiến dịch tấn công quân sự, thiết lập lệnh ngừng bắn và quay lại con đường đàm phán, đối thoại".
Dự thảo nghị quyết đã được 88 quốc gia ủng hộ và sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay. Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc tấn công mục tiêu dân sự ở Ukraine, khẳng định quân đội nước này chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự của Kiev trong chiến dịch "phi vũ trang hóa và phi phát xít hóa" Ukraine.
Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau khi 141 quốc gia thông qua một nghị quyết khác hôm 2/3, trong đó yêu cầu Nga "lập tức ngừng sử dụng vũ lực với Ukraine".
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc, cũng như không ảnh hưởng đến tình hình chiến sự tại Ukraine, song thể hiện quan điểm của các nước trên thế giới đối với chiến dịch quân sự của Nga.
Phát biểu tại phiên họp khẩn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 23/3, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, theo TTXVN.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là dừng chiến sự, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, triển khai các hoạt động nhân đạo và sơ tán công dân.
Đại sứ cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ các nỗ lực nhân đạo quốc tế và sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ đối với Ukraine trong điều kiện và khả năng cho phép.
Cũng trong ngày 23/3, Nga trình một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình nhân đạo tại Ukraine, song không được thông qua do không hội đủ 9/15 phiếu ủng hộ. Theo các nhà ngoại giao, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, song 13 thành viên khác trong Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng.
Xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hôm 24/2. Moskva và Kiev đã tiến hành nhiều vòng đàm phán kể từ khi nổ ra xung đột, với sự giúp đỡ tích cực từ một số quốc gia có quan hệ tốt đẹp với cả hai bên, nhưng chưa tìm được tiếng nói chung về thỏa thuận hòa bình.
Ngọc Ánh (Theo AFP)