Trước khi Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) khai mạc hôm 1/11, ban tổ chức mất 70 ngày chuẩn bị. Đại tiệc mở rộng phạm vi phim dự thi ở các hạng mục dài và ngắn ở tất cả các nước trên thế giới, thay vì chỉ ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như ba kỳ trước. Điều này thu hút gần 1.000 tác phẩm gửi tới tham dự và liên hoan chọn trình chiếu gần 200 phim. Có tới 200 đại biểu quốc tế đến với LHP so với hơn 100 đại biểu tại các kỳ trước, nhưng các đại biểu này phần lớn không phải là thành viên các đoàn phim có tác phẩm tham dự.
Ngay từ đầu, công tác truyền thông sơ sài không giúp liên hoan gây được sự chú ý tới công chúng. Sát ngày tiệc điện ảnh diễn ra, trang điện tử của HANIFF vẫn có nhiều hạng mục ghi dòng chữ "đang cập nhật". Trailer liên hoan giống clip quảng bá danh thắng và du lịch Việt Nam hơn là một video giới thiệu hay tóm tắt tiệc điện ảnh lớn. Trước và trong khi lễ hội diễn ra, ở những địa điểm chính của sự kiện, ban tổ chức còn thiếu băng rôn quảng bá. Điều này khiến khán giả thủ đô không cảm nhận được không gian mùa lễ hội điện ảnh đang đến.
Hồi giữa tháng 9, Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan chia sẻ kế hoạch mời các sao nước ngoài nhiều sức hút đến tham dự chương trình, trong đó có tài tử Song Seung Hun (Trái tim mùa thu), con gái tài tử Charlie Chaplin (Geraldine Leigh Chaplin) và minh tinh Pháp của phim Đông Dương - Catherine Deneuve. Tuy vậy, tới ngày 31/10, Song Seung Hun và Geraldine Leigh Chaplin đều không đến dự liên hoan. Riêng bà Gerladine Leigh Chaplin trước đó đã nhận lời đến Hà Nội làm giám khảo cuối cùng từ chối vì bận việc.
Sự thiếu vắng của sao hạng A khiến tiệc phim năm nay giảm hẳn sức hút. Hồi 2010, khi HANIFF lần đầu tiên tổ chức, fan Việt quy tụ đông đảo và hò reo khi hai tài tử Hong Kong - Ngô Ngạn Tổ và Trương Gia Huy - bước lên thảm đỏ. Sang mùa thứ hai năm 2012, cặp sao Hàn Quốc nổi bật là Lee Sun-gyun (phim Tiệm Cafe hoàng tử) và Kim Min-hee (phim Chị dâu 19 tuổi) cũng "đốt nóng" sự kiện điện ảnh này. Năm nay, ngôi sao tầm cỡ duy nhất tới Hà Nội trong khuôn khổ liên hoan là huyền thoại Pháp Catherine Deneuve. Tuy vậy, minh tinh 73 tuổi không xuất hiện tại thảm đỏ cả đêm khai mạc lẫn bế mạc. Bà chỉ ở khách sạn và tới sự kiện ra mắt bản dựng phục hồi theo chuẩn 4K phim Đông Dương - bộ phim nổi tiếng với sự góp mặt của bà - vào tối 2/11.
Trong khi các sự kiện thảm đỏ chỉ dừng ở quy mô nội địa bởi sự góp mặt của hầu hết mỹ nhân và hoa hậu trong nước, đêm bế mạc và khai mạc liên hoan bị nhận xét là ở mức an toàn, không gây tiếng vang.
Theo quan sát của phóng viên, trong sự kiện thảm đỏ (được cho là bộ mặt của liên hoan) chỉ có khoảng 300 người với hơn một phần ba là ban tổ chức (tình nguyện viên, công an, cảnh vệ, những người lo sự kiện). Còn lại là những người trẻ ở lứa tuổi học sinh trung học và sinh viên. Việc nhiều lực lượng cảnh sát áo xanh được bố trí đứng chắn để phòng sự cố xảy ra khiến không gian sự kiện trở nên nghiêm túc và thiếu thân thiện. Trên thảm đỏ, không khí có phần tẻ nhạt khi các ngôi sao chỉ đi thẳng mà không có dịp dừng lại để giao lưu với khán giả hay tạo dáng trước ống kính báo giới.
Nhiều đoàn phim tranh giải chính đều không đến Hà Nội. Điều này khiến xảy ra chuyện hài hước là trong đêm bế mạc và trao giải thưởng, nhiều người công bố và trao giải xuất hiện lộng lẫy trong khi người đoạt giải đều vắng bóng.
Đạo diễn trẻ Hàn Quốc Choi Jeong-yeol - nhận "Giải thưởng của ban giám khảo dành cho Phim dài xuất sắc" One way trip (Ngày tươi đẹp) - là đạo diễn nước ngoài duy nhất tới nhận giải tại HANIFF 2016. Còn lại, tất cả giải thưởng trao cho đoàn làm phim, hay giải cá nhân nước ngoài đều có người của đại sứ quán các nước lên nhận thay. Hai đoàn phim Canada và Philippines chiến thắng bốn giải quan trọng hàng đầu - "Phim hay nhất", "Đạo diễn xuất sắc", "Nam diễn viên chính xuất sắc", và "Nữ diễn viên chính xuất sắc" - đều không góp mặt.
Cách ban tổ chức sắp xếp các suất chiếu ở nhiều cụm rạp rải rác và nằm xa nhau bị phàn nàn là làm việc đến rạp xem phim của công chúng trở nên bất tiện. "Hai phim tôi muốn xem được chiếu vào các giờ khác nhau và tôi phải đi từ rạp Dân chủ về rạp CGV Nguyễn Chí Thanh cách nhau khoảng 5 km", chị Nguyễn Thu Hà, nhà ở đường Quan Nhân bày tỏ.
Ngoài ra, liên hoan năm nay vắng bóng giới làm phim độc lập và nghệ thuật trong nước. Tác phẩm Cha, con và... từng tranh giải chính tại Liên hoan Berlin (Đức) không xuất hiện trong hạng mục nào - từ phim dự thi, tới toàn cảnh hay thậm chí chương trình giới thiệu Điện ảnh Việt Nam.
Điểm sáng khiến HANIFF có tầm vóc quy mô tiệc phim thế giới là sự quy tụ của các "đặc sản" điện ảnh từ nhiều vùng quốc gia và lãnh thổ.
Cục Điện ảnh huy động thành công các nguồn ngân sách hỗ trợ cho liên hoan theo cách xã hội hóa để mua bản quyền nhiều phim xuất sắc về chiếu như I, Daniel Blake (phim mở màn từng đoạt giải Cành Cọ Vàng ở Cannes hồi tháng 5) hay Son of Saul (đoạt giải Phim Oscar nói tiếng nước ngoài xuất sắc năm ngoái).
HANIFF 2016 cũng tập trung đào tạo khâu đầu vào cho ngành làm phim - bằng cách mở rộng Chợ dự án và Trại sáng tác. Cả hai nơi này đều thu hút các gương mặt trẻ Việt Nam và Đông Nam Á đến chào hàng, trao đổi và học hỏi quá trình làm phim.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn - giám khảo Netpac (Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á) - cho rằng HANIFF những mùa tới cần nỗ lực hơn nữa mới mong định hình được phong cách và bản sắc riêng. Trong khi đó, đạo diễn Régis Wargnier (Giám khảo hạng mục phim dài) và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Giám khảo hạng mục phim ngắn) đều khuyến khích Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội tổ chức thường niên thay vì hai năm một lần như hiện tại.
"Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, có bề dày lịch sử. Việc tổ chức liên hoan phim ở đây mỗi năm một lần sẽ thu hút giới chuyên môn thế giới tới thủ đô các bạn và quan tâm đến điện ảnh Việt Nam hơn", đạo diễn Wargnier bày tỏ.
* Video: Toàn cảnh lễ bế mạc HANIFF 2016