Theo Reuter, LG sẽ cắt giảm chi phí, cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc bằng cách thuê nhà sản xuất ODM sau nhiều năm bán điện thoại không có lãi. Hãng chỉ tập trung vào nghiên cứu gia công phần mềm, giải pháp cho smartphone của mình ở phân khúc giá rẻ và tầm trung. Samsung, Huawei, Oppo, Lenovo và đặc biệt là Xiaomi cũng đều sử dụng cách thức này để có các sản phẩm giá rẻ, cấu hình mạnh.
Người đại diện của LG cũng tiết lộ công ty sẽ cắt giảm một số vị trí nghiên cứu và sản xuất nhằm cải tổ và tập trung vào hoạt động R&D ở mảng điện thoại thông minh cao cấp. Đây là thông tin gây nhiều bất ngờ bởi ngay cả ở thời kỳ hoàng kim trước 2014, LG cũng không mạnh ở phân khúc điện thoại cao cấp.
Theo Strategy Analytics, từ vị trí thứ 3 thị trường smartphone toàn cầu năm 2013, LG hiện không còn nằm trong top 7 hãng điện thoại lớn nhất. Công ty điện tử Hàn Quốc đứng sau nhiều cái tên tới từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo và thậm chí cả các thương hiệu mới nổi như Realme.
"Họ (LG) biết rằng bản thân phải cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc, thay vì Samsung hay Apple. Và họ đang cố gắng gia tăng giá trị cho các mẫu cấp thấp hơn bằng cách liên kết nhà sản xuất ODM mà các công ty Trung Quốc vốn sử dụng", Tom Kang, một chuyên gia phân tích tại Counterpoint nói. Tuy nhiên, Kang cũng nói thêm rằng ngay cả khi LG tìm được nguồn cung với chi phí ổn, hãng cũng không thể thắng các đối thủ nếu không có khả năng tiếp thị.
Cuối 2016, LG lặng lẽ rút khỏi thị trường điện thoại thông minh tại thị trường Việt Nam. Tới đầu 2019, hãng đưa trở lại G8 ThinQ và V50 ThinQ nhưng không tạo được nhiều dấu ấn. Gần hai năm qua, LG cũng không ra mắt thêm điện thoại thông minh nào ở thị trường trong nước. Trước đó vào tháng 4/2019, trang Yonhap cũng đưa tin LG đã chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại từ Hàn Quốc sang Việt Nam.