Sau ba lượt đấu đầu tiên với tổng cộng 13 trên tổng số 15 ván diễn ra với kết quả hòa, 10 đấu thủ đã được ban tổ chức dẫn đi thăm một trang trại nuôi bò sữa. Tại đó, những bộ não xuất sắc đã được cho nghỉ ngơi, để các kỳ thủ làm thử những công việc chân tay mà họ chưa từng trải nghiệm như chặt cây, lái xe đầu kéo và thú vị nhất là thử vắt sữa bò.
Những động thái đó của ban tổ chức đã có tác động mạnh đến khả năng sáng tạo của các kỳ thủ. Bằng chứng là ở lượt đấu thứ tư, có tới 3 trong 5 ván kết thúc có phân thắng bại. Giri đã vượt qua “phù thủy” Anand còn Nakamura cũng đánh bại “quái thú thành Lyon” Vachier-Lagrave. Tuy nhiên, như lời nói đùa của Anish Giri, mọi người chỉ quan tâm đến thất bại của Magnus Carlsen.
Ván đấu giữa Levon Aronian và Magnus Carlsen đã được chọn là ván cờ tâm điểm của vòng, không phải bởi kỳ thủ số một thế giới đã chơi tệ, mà do Aronian đã có một ngày thi đấu đầy mê hoặc. Đầu tiên là một đòn thí quân bên cánh hậu để loại Hậu đen ra khỏi cuộc chơi, sau đó anh tiếp tục thí quân bên cánh còn lại để đặt Vua đen vào tình thế không được bảo vệ. Levon Aronian đã thực hiện những nước cờ ấy trước Magnus Carlsen, kỳ thủ được nhiều người trong làng cờ thế giới xem là xuất sắc hơn cả những huyền thoại như Paul Morphy, Bobby Fischer hay Garry Kasparov.
Ván cờ được khởi đầu bằng hệ thống phòng thủ Slav (1.d4 d5 2.c4 c6). Cao trào được đẩy lên ở nước cờ 11.a3, mà theo tiết lộ của Aronian ở buổi bình luận sau ván đấu, đây là thế cờ anh đã nghiên cứu rất kỹ từ năm 2003. Trắng muốn thí tốt để giúp quân mã ở ô c3 thoát khỏi gọng kìm của tượng đen, chuẩn bị cho 12.e4, chiếm lấy khu trung tâm. Tuy nhiên, Aronian đã thay đổi quyết định sau 11…Bxa3, anh muốn thí tiếp quân xe bằng 12.Rxa3, kéo theo 13.c5 và tạm thời loại Hậu đen ra khỏi cuộc chơi.
Biên bản ván đấu Levon Aronian vs Magnus Carlsen: 1. d4 d5 2. c4 c6 3. Nf3 Nf6 4. Nc3 e6 5. e3 a6 6. b3 Bb4 7. Bd2 Nbd7 8. Bd3 O-O 9. O-O Qe7 10. Bc2 Rd8 11. a3 Bxa3 12. Rxa3 Qxa3 13. c5 b6 14. b4 Ne4 15. Nxe4 dxe4 16. Bxe4 Rb8 17. Bxh7+ Kxh7 18. Ng5+ Kg8 19. Qh5 Nf6 20. Qxf7+ Kh8 21. Qc7 Bd7 22. Nf7+ Kh7 23. Nxd8 Rc8 24. Qxb6 Nd5 25. Qa7 Rxd8 26. e4 Qd3 27. exd5 Qxd2 28. Qc7 Qg5 29. dxc6 Bc8 30. h3 Qd5 31. Rd1 e5 32. Rd3 exd4 33. Qe7 Bf5 34. Rg3 Bg6 35. Qh4+ 1-0 |
Nhà đương kim vô địch thế giới còn có thêm một lần phải bất ngờ nữa ở nước cờ 17.Bxh7+. Trắng tiếp tục thí tượng, đồng nghĩa với việc Aronian sẽ thiệt hẳn một xe ở thời điểm này. Đổi lại, anh đưa được mã vào ô g5 và Hậu với h5, thế cờ đặc biệt nguy hiểm với vua đen khi cả hai ô tử huyệt f7 và h7 đều bị tấn công, trong khi Hậu đen không kịp trở về bảo vệ thành.
Phần còn lại của ván đấu diễn ra với sức mạnh vô hạn của Hậu trắng, càn quét khắp phần sân của đen. “Magnus Carlsen đã phòng ngự rất hợp lý trong suốt ván đấu. Ở đòn thí quân đầu tiên của Aronian, Carlsen chấp nhận cũng là điều dễ hiểu bởi ở hoàn cảnh đó, ý đồ của trắng chưa rõ ràng. Còn ở đòn thí thứ hai, Levon Aronian đã tìm ra nước đi rất kỳ diệu”, đại kiện tướng Peter Svidler bình luận.
Với trận thua chỉ sau 35 nước cờ, hệ số ELO của Magnus Carlsen tụt xuống thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Anh đã quá thất vọng và từ chối tham dự buổi bình luận sau trận đấu. Nhưng tâm điểm vẫn là người chiến thắng, Levon Aronian, với ván cờ được cho là hay nhất giải đấu.
Ở lần tiếp theo cầm quân trắng, Levon Aronian tiếp tục gây khó khăn cho một nhà vô địch thế giới khác - Vladimir Kramnik. Cũng với một kế hoạch phong tỏa hậu để giành chiến thắng, kỳ thủ người Armenia xứng đáng có thêm một ván cờ nữa được ghi vào sách giáo khoa cờ vua.
Với khai cuộc Gambit hậu không tiếp nhận, cả hai bên đã quyết định đổi quân ngay từ 10 nước đi đầu tiên để tạo sự thông thoáng ở khu vực trung tâm. Bên đen vẫn giữ được thế cờ hoàn toàn cân bằng cho đến khi Kramnik thực hiện hai nước đi Hậu sai lầm liên tiếp ở nước thứ 19. “Khi tôi đi nước cờ 19.Nh4, tôi đã tính toán được rằng nếu 19…Qg4 thì đó sẽ là sai lầm của đối thủ”, Aronian phân tích sau khi ván cờ kết thúc.
Biên bản ván đấu Levon Aronian vs Vladimir Kramnik: 1. d4 d5 2. c4 e6 3. Nf3 Nf6 4. Nc3 c5 5. cxd5 Nxd5 6. e4 Nxc3 7. bxc3 cxd4 8. cxd4 Bb4+ 9. Bd2 Bxd2+ 10. Qxd2 O-O 11. Bc4 Nd7 12. O-O b6 13. Rac1 Bb7 14. d5 Nc5 15. Rfe1 Qf6 16. Qe3 Rac8 17. e5 Qg6 18. d6 f6 19. Nh4 Qg4 20. g3 fxe5 21. Qxe5 Rcd8 22. f4 Rf6 23. Rc3 Rh6 24. Be2 Qh3 25. Qg5 Qxh4 26. gxh4 Rg6 27. Rd1 Bd5 28. f5 Rxg5+ 29. hxg5 Kf8 30. fxe6 Bxe6 31. Bc4 Bf5 32. Re3 g6 33. Re7 Rd7 34. Rde1 1-0 |
Kramnik đã dính vào bẫy của đối thủ, khi anh không tính đến nguy cơ quân Hậu của mình bị mắc kẹt ở ô g4. Thay vì chạy Hậu đến h5, hay thậm chí là g5, Kramnik đi 19…Qg4, để rồi sau 20.g3, Hậu đen hoàn toàn bị rơi vào tròng. Aronian tiếp tục thực hiện kế hoạch bắt Hậu bằng chuỗi 22.f4, 23.Rc3 và 24.Be2, buộc Hậu đen tiếp tục phải chạy vào ô h3, với việc không còn đường thoát. Kramnik đã phải đổi thiệt chất (đổi Hậu và Xe lấy Hậu và Mã) bằng 25...Qxh4 và 26...Rg6. Lúc này Aronian có lợi thế hoàn toàn và ở một đẳng cấp của những Siêu đại kiện tướng, kỳ thủ người Armenia đã tận dụng thành công lợi thế hơn chất.
Đánh bại hai nhà vô địch thế giới với phong cách tấn công hết sức quyến rũ, Levon Aronian xứng đáng lên ngôi vô địch Altibox Norway Chess (6 điểm trong 9 trận). Qua đó, anh được giới chuyên môn đánh giá là ứng cử viên sáng giá trong việc lật đổ danh hiệu “Vua cờ” mà Magnus Carlsen đang nắm giữ.
Xuân Bình