Thứ sáu, 13/12/2024
Thứ sáu, 28/6/2024, 14:05 (GMT+7)

Leo lên miệng núi lửa làm lễ cầu mưa

IndonesiaMỗi khi trời hạn hán, người Tenggerese ở Đông Java lại trèo lên miệng núi lửa Bromo cao hơn 2.300 m để làm lễ cầu thần linh phù hộ cho mùa màng bội thu.

Người dân tộc thiểu số Tenggerese leo lên đỉnh núi lửa Bromo, chuẩn bị cho lễ cầu mưa Yadnya Kasada ở Probolinggo, Đông Java, ngày 21/6.

Người Tenggerese bắt đầu tổ chức lễ hội cầu mưa từ thế kỷ 13, thời Vương quốc Majapahit còn tồn tại, để bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn tổ tiên, thần linh.

Họ mang theo rau củ, dê, gia súc, leo lên đỉnh núi Bromo cao 2.329 m để hành lễ và kết thúc bằng cách ném thực phẩm, đồ hiến tế vào miệng núi lửa.

Người dân chơi ketipung, nhạc cụ truyền thống của người Tenggerese, khi lên đường thực hiện nghi thức cầu mưa.

Người Tenggerese sống rải rác trong nhiều thôn làng ở công viên quốc gia trên đỉnh Bromo, một trong những ngọn núi lửa vẫn hoạt động ở Indonesia. Công viên là thắng cảnh du lịch nổi tiếng, gần thành phố Probolinggo, cách thủ đô Jakarta khoảng 800 km về phía nam.

Các tín đồ thổi đuốc trước khi lên núi.

Nghi lễ Yadnya Kasada đã trở thành một phần đời sống của người Tenggerese suốt nhiều thế kỷ. Ngày nay, khí hậu biến đổi thất thường khiến nghi thức cầu mưa thuận gió hòa này càng trở nên quan trọng với cộng đồng người dân tộc theo đạo Hindu.

Người phụ nữ mang theo đồ lễ gồm tiền và chuối trong lúc cầu nguyện gần ngôi đền dưới chân núi.

Một thôn dân vác dê lên hiến tế ở sườn miệng núi lửa Bromo.

Người Tenggerese tin rằng việc ném đồ hiến tế, thực phẩm vào miệng núi lửa sẽ giúp các thần linh phù hộ cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.

Dân làng đứng ngay bên dưới miệng núi lửa Bromo, chờ hứng lễ vật do những người khác ném xuống trong lễ cầu mưa, cầu may.

Một số người cầm theo vợt dài, đứng canh bên sườn miệng núi lửa, chờ lấy đồ hiến tế các tín đồ ném xuống.

Asih, 64 tuổi, nông dân, đứng giữa mảnh ruộng bắp cải héo ở làng Ngadirejo, cho biết trước đây mỗi năm thu hoạch bắp cải ba lần, nhưng bây giờ chỉ được một vụ vì trời ít mưa.

"Trời không mưa, chúng tôi không trồng được thêm", bà nói, chỉ vào đám rau. "Rau cỏ đều khô quắt lại thế này đây. Một khi đã héo, rễ không phát triển được".

"Chúng tôi cầu mong mùa màng năm nay bội thu", bà ước nguyện.

Các tín đồ cầu nguyện tại ban thờ Watuwungkuk.

Năm ngoái, 2/3 diện tích Indonesia, bao gồm toàn bộ khu vực Java, trải qua mùa khô nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019 do El Nino kéo dài hơn bình thường, khiến mùa màng thiệt hại và cháy rừng nghiêm trọng.

Mâm đồ cúng lễ Yadnya Kasada trong nhà trưởng làng ở Jetak.

Năm nay, các nhà khí tượng dự báo mưa sẽ nhiều hơn, nhưng cuộc sống của nông dân có thể chưa sớm được cải thiện.

Pháp sư làm lễ trong đền Luhur Poten ở núi Bromo.

Bà Asih và ông Irawan đều tham gia cầu nguyện trong ngôi đền dưới chân núi. Asih đem theo cả cháu gái năm tuổi.

"Để hồi đáp những gì đấng Toàn năng đã truyền đạt qua thiên nhiên, con người phải thích ứng và không được phép quên cầu nguyện", Suyitno, lãnh tụ tinh thần của người Tenggerese, nói.

Ảnh: Reuters