Lenovo Vibe P1 đang là smartphone sở hữu pin dung lượng lớn thứ hai trên thị trường, khi chỉ kém 300 mAh so với Philips W6610. Để dễ hình dung, pin của P1 nhiều hơn gấp rưỡi những model có pin tốt trên thị trường, như iPhone 6s Plus của Apple, Galaxy Note 5 của Samsung cũng như Xperia Z3 và Z5 của Sony. Tuy nhiên, ngoài pin lâu, sản phẩm còn nhiều điểm hay khác đáng chú ý.
Pin
Trong bài thử bằng PC Mark với việc xem video liên tục, lướt web và chỉnh sửa ảnh qua kết nối Wi-Fi, độ sáng màn hình và âm lượng đặt ở mức 50%, Vibe P1 cho kết quả lên tới 12h14 phút. Nhiều hơn hẳn kết quả ở mức tốt của phần lớn các smartphone Android, mức 6 đến 7 giờ. Khi thử nghiệm để chờ qua đêm, model của Lenovo không hề sụt % pin nào, dù vẫn duy trì kết nối mạng 3G và Wi-Fi.
Tuy nhiên, dung lượng lớn cho khả năng dùng dài ngày không phải là ưu điểm duy nhất ở pin của Lenovo Vibe P1. So với Philips W6610, điểm hơn của Vibe P1 là khả năng sạc nhanh. Củ sạc đi kèm với Vibe P1 được tích hợp công nghệ sạc nhanh Rocket Charge. Nó cho phép sạc dồn tốc độ nhanh với điện áp lên tới 12V ở mức dung lượng thấp, rồi giảm dần khi pin gần đầy. Trong quá trình sạc nhanh, máy nóng lên khá rõ nhưng chấp nhận được vì nhanh nguội.
Với sạc nhanh, pin 5.000 mAh chỉ mất có 40 phút đã nạp được 1/3 dung lượng và khoảng 2 tiếng 20 phút là đầy hoàn toàn. Trong khi iPhone 6 Plus và 6s Plus dù pin chưa tới 3.000 mAh nhưng cũng mất khoảng hơn 2 giờ để nạp đầy như P1.
Chưa hết, Lenovo còn trang bị cho Vibe P1 hai tính năng độc đáo, đó là biến thành pin dự phòng khi cần thiết và mở chế độ siêu tiết kiệm điện năng trong vòng một nốt nhạc nhờ công tắc gạt. Công tắc gạt ở P1 thì giống với đàn em P1m khi chỉ cần đẩy lên, máy sẽ chuyển về giao diện rút gọn chỉ cho dùng tính năng cơ bản như đàm thoại, nhắn tin, truy cập web và tắt bớt các kết nối.
Tính năng còn lại cho phép Vibe P1 có thể sạc được bất kỳ thiết bị khác thông qua cổng microUSB của nó. Không như đàn em P1m, trên Vibe P1 Lenovo tặng kèm bộ chuyển USB OTG rất nhỏ gọn, cho phép đổi cổng microUSB sang USB tiêu chuẩn. Vì thế, chỉ cần thêm cáp, Vibe P1 thành pin dự phòng để sạc cho iPhone, BlackBerry hay bất kỳ thiết bị nào khác.
So với đàn em P1m, khả năng sạc ngược cho Vibe P1 ổn định hơn dù dòng ra vẫn duy trì ở mức thấp 0,5A. Khi thử với iPhone 6s hay một số mẫu Galaxy, Xperia cao cấp, thiết bị báo sạc mà không bị ngắt quãng hay bật thông báo không tương thích. Ngoài sạc, với bộ chuyển USB OTG và kết nối với nhau bằng cáp, Vibe P1 còn có thể lấy ảnh, video từ thiết bị iOS hoặc file tài liệu bất kỳ từ thiết bị Android.
Thiết kế và màn hình
Phần lớn smartphone pin lớn có thiết kế dày, nặng và không được đẹp. Điểm mừng là Lenovo Vibe P1 không nằm trong số đó. Trọng lượng lên tới 187 gram nhưng cũng chỉ tương đương với iPhone 6s Plus và iPhone 6 Plus. Máy dày 9,9 mm nhưng với các bo cong rất nhiều về mặt lưng giống như ở HTC One M7 hay M8, việc cầm Vibe P1 thoải mái, không dày cộp như W6610 của Philips.
Ưu điểm nữa ở Vibe P1 là sở hữu vỏ kim loại nguyên khối, khi phần lớn các smartphone tầm trung cùng tầm đều dùng vỏ nhựa. Thiết kế nguyên khối tạo cảm giác chắc chắn khi cầm. Đường Diamond Cut ở phần viền tiếp xúc với lưng, không mảnh quá nên cảm giác cầm máy ổn, không bị cấn tay. Các chi tiết nhỏ trên thân máy như phần viền bao quanh camera, đèn Flash kép hay phím gạt tiết kiệm pin, cổng sạc và loa ngoài được hoàn thiện khá sắc sảo, khiến cho máy trông khá sang.
Tuy nhiên, ở mặt lưng của Vibe P1 vẫn có hai mảnh nhỏ làm từ nhựa, một ốp ở phía đuôi máy không tháo ra được và một ốp ở phía trên đỉnh, giúp giấu khay đựng 2 sim và khe cắm thẻ nhớ. Dù được làm từ nhựa, nó có màu sơn khá giống với phần vỏ kim loại, lắp vào chắc chắn và khá khít với thân vỏ kim loại.
Lenovo đưa ra ba màu kim loại khác nhau là bạc, đen xám và vàng. Nhưng với mặt trước của cả ba phiên bản đều màu đen, vóc dáng lại vuông vắn, Vibe P1 là mẫu smartphone trông nam tính và không hợp với nữ giới.
Nếu như mặt lưng được thiết kế trông xịn, cao cấp so với tầm giá thì mặt trước của Vibe P1 lại hơi đơn điệu. Mặt kính đen bị bám bẩn vân tay và mồ hôi khá rõ, hơi khó làm sạch nếu không dùng khăn mềm. Điểm gỡ gạc là chất lượng hiển thị thuộc diện tốt nhất trong số các smartphonet tầm giá 6 đến 8 triệu đồng hiện giờ.
Màn hình 5,5 inch có độ phân giải Full HD, hiển thị sắc nét và tấm nền IPS cho hình ảnh trong, màu sắc trung thực. Thậm chí, nếu thích, trong phần cài đặt hiển thị Lenovo còn cho phép thiết lập lại thông số màn hình, chuyển sang tông màu lạnh hay ấm, tăng giảm độ bão hoà. Khi nhìn dưới trời nắng gắt, màn hình của Vibe hơi khó nhìn và in bóng rõ.
Bù lại, với người hay dùng điện thoại ban đêm, P1 còn có sẵn chế độ bảo vệ mắt giúp giảm độ sáng màn hình xuống rất thấp. Cảm ứng nhạy và chính xác, hỗ trợ ngay cả khi đeo găng tay. Lenovo vẫn tích hợp các tính năng gõ 2 lần để bật màn hình, lật máy để tắt màn hình hay khởi động camera nhưng được giấu hơi kỹ trong mục Riêng của phần Cài đặt.
Cảm biến vân tay và tính năng bảo mật
Bên cạnh pin, cảm biến vân tay là một trang bị đáng tiền khác của Vibe P1. Thay vì dùng dãy 3 phím cảm ứng quen thuộc, Lenovo chỉ còn dùng 2 và phím Home được chuyển sang dạng cứng hình chữ nhật và tích hợp cảm biến vân tay vào đó. Dù giá thấp và thuộc nhóm sản phẩm tầm trung, chất lượng cảm biến vân tay của Lenovo gây bất ngờ và đáng nể.
Tốc độ nhận diện vân tay của Vibe P1 thuộc diện nhanh nhất, ngang ngửa với iPhone 6s mới ra, Galaxy Note 5, và nhạy hơn cả S6 lẫn iPhone 6. Không như HTC với One A9, cảm biến vân tay của Vibe P1 là phím cứng nên không tốn diện tích phần hiển thị trong màn hình, kiêm nhiệm luôn phím Home.
So với trên Huawei G7 Plus hay Oppo R7 Plus, bảo mật vân tay trên Lenovo Vibe P1 thiếu tính năng hỗ trợ khoá riêng lẻ từng ứng dụng hay ẩn các file cá nhân. Nhưng bù lại, nó có tính năng bảo mật khác hay không kém, kết hợp với khoá vân tay tỏ ra tiện dụng.
Đầu tiên là chế độ phân vùng, cho phép người dùng tạo ra một vùng lưu trữ riêng (Secure Zone). Người dùng có thể chuyển các tài liệu như văn bản, hình ảnh, video vào vùng riêng này với khoá bảo mật. Chúng đều được mã hoá để tránh bị người khác tự ý sao chép.
Tính năng thứ hai là chế độ sử dụng đa tài khoản, vốn mặc định có trên Android của Google, nhưng không nhiều hãng giữ lại nó trên giao diện đã được tuỳ biến lại. Như trên máy tính, Vibe P1 có thể chạy nhiều tài khoản khác nhau. Mỗi tài khoản có những thiết lập, ứng dụng dữ liệu riêng, khác nhau giống như trên hai điện thoại khác nhau.
Với tính năng này, nhiều tài khoản OTT như Facebook, Viber, Whatsapp có thể cài và dùng cùng trên một điện thoại. Nều cần sự riêng tư và bảo mật, người dùng có thể dùng 1 tài khoản cho công việc và 1 tài khoản cá nhân thông thường.
Hiệu năng và camera
So với pin, màn hình và cảm biến vân tay khiến, những trang bị còn lại trên Vibe P1 chỉ ở mức bình thường. Model tới từ Lenovo có hiệu năng khoẻ nhất ở phân khúc tầm trung. Nó sở hữu cấu hình khá quen thuộc với chip Snapdragon 615 8 nhân giống như đối thủ cùng giá tiền Zenfone Selfie, hay trên những model giá đắt hơn như R7s và R7 Lite của Oppo.
Những trò chơi hạng nặng như Fifa 16, Need for Speed: No Limits hay Vain Glory chạy trên Vibe P1 hiện khung hình ổn định, không giật gây cảm giác khó chịu. Dù vậy, khi lướt web với trình duyệt chrome, việc cuộn trang lên và xuống vẫn giật nhẹ và không được mượt.
Vibe P1 có phiên bản RAM 3GB giống như Zenfone Selfie, nhưng tại Việt Nam, bản chính hãng có RAM 2GB. Bù lại, bộ nhớ trong của bản 2GB RAM bán chính hãng là 32GB thay vì 16GB như bản RAM 3GB ở thị trường "xách tay". Cấu hình máy đủ dùng nhưng với người thích hiệu suất cao, Lenovo bán phiên bản RAM 3GB của Vibe P1 ở Việt Nam sẽ hợp lý và tạo ra lợi thế nhiều hơn về cấu hình so với các đối thủ.
Có lẽ, Lenovo đã dành trang bị camera tốt nhất cho Vibe Shot, tránh tạo ra sự trùng lặp cho Vibe P1 ở cùng phân khúc. Nên smartphone pin lớn của Lenovo không để lại nhiều ấn tượng ở camera dù thông số tốt.
Máy ảnh chính 13 megapixel với công nghệ lấy nét nhanh theo pha PDAF, đi kèm đèn Flash 2 tông màu. Nhưng chất lượng ảnh chụp ra chỉ ở mức trung bình khi máy xử lý nhiều khiến nước ảnh bệt và mất nhiều chi tiết. Dảy tương phản hẹp khiến các bức ảnh thiếu chiều sâu, dễ cháy sáng trong các hoàn cảnh khó, có ánh sáng phức tạp.
Phần thể hiện chấp nhận được là camera trước, với hình ảnh selfie sắc nét và góc chụp khá rộng, dễ chụp cảnh nhiều người cùng lúc.
Ảnh chụp thử:
Smartphone pin khủng của Lenovo không hỗ trợ âm thanh DTS hay Dolby Atmos như A7000 hay A7000 Plus. Dù loa được bố trí ở cạnh đáy, máy vẫn chỉ có loa đơn chứ không phải dạng kép. Âm lượng đủ lớn, rõ ràng khi chơi game hay xem phim nhưng không có điểm nào gây chú ý.
Vibe P1 nằm trong loạt smartphone được giới thiệu nửa cuối 2015 nên nó sử dụng nền tảng Vibe UI mới nhất của Lenovo, chạy trên nền Android 5.1 Lollipop. So với giao diện gốc của Google, nó đã được tuỳ biến nhiều, thêm hiệu ứng và các tiện ích mở rộng tuỳ nhiên vẫn chạy khá mượt.
Với giá 6,99 triệu đồng, Lenovo Vibe P1 cho thấy nó có nhiều ưu điểm nhỉnh hơn mặt bằng chung ở phân khúc smartphone tầm trung hiện giờ. Cấu hình ổn đủ dùng, màn hình đẹp nhưng pin mới là thứ đáng giá nhất, điểm ít smartphone hiện giờ đáp ứng được như sản phẩm tới từ Lenovo.
Tuấn Anh