Nếu không để ý đến tên mã, nhiều người sẽ nhầm lẫn hai chiếc smartphone giá rẻ A2010 và A1000 của Lenovo. Thiết kế của A1000 giống hệt với model A2010, nhưng nhỏ hơn, do có màn hình 4 inch thay vì 4,5 inch.
Thiết kế
So với một chiếc điện thoại cơ bản 2 sim, kích thước của A1000 không to hơn nhiều. Vì vậy, nó vẫn đem lại sự thoải mái khi sử dụng ngoài đường, cầm bằng một tay để đàm thoại lâu hay bỏ vào túi quần dễ dàng. Nếu đang dùng một smartphone cao cấp màn hình lớn, đây là lựa chọn hợp lý để làm điện thoại phụ.
Giá thấp nhưng chất lượng hoàn thiện của A1000 khá ổn. Toàn bộ vỏ máy làm từ nhựa nhưng lại khá cứng cáp và chắc chắn. Phần lưng được làm cong và vát nhiều ở hai viền nên khi cầm ôm tay, thoải mái dù máy dày. Khi nhìn thực tế, Lenovo A1000 trông đẹp và cứng cáp hơn Galaxy V, nhưng chưa bắt mắt như dòng Lumia 435 và 430 khi máy chỉ có hai màu đen và trắng truyền thống.
Sử dụng tấm nền TFT thay vì LCD nên hạn chế dễ nhận thấy ở sản phẩm là màn hình máy thiếu độ trong mà hơi đục, góc nhìn hẹp và không có điều chỉnh độ sáng đèn nền tự động. Độ phân giải 480 x 800 pixel.
Dù vậy khi sử dụng thực tế, Lenovo A1000 vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông thường. Hình ảnh khi lướt web khá sắc nét, không quá rỗ. Màu sắc khi hiển thị các trò chơi khá tươi tắn và sống động. Điểm gây bất ngờ là thao tác cảm ứng trên Lenovo A1000 khá nhạy và chính xác nếu so với một model Android chỉ 4 inch. So với đàn anh A2010, độ trễ ở A1000 ít hơn hẳn
Hiệu năng
Lenovo A1000 cũng là một trong những smartphone hiếm hoi ở phân khúc phổ thông dưới 2 triệu đồng sở hữu chip 4 nhân, tốc độ 1,3 GHz. Tuy nhiên, không phải tới từ Qualcomm hay MediaTek mà là Spreadtrum SC7731. Ưu điểm thể hiện ở hiệu năng so với tầm giá.
Thử nghiệm bằng công cụ Antutu Benchmark, A1000 được khoảng 17.500 điểm, không thấp hơn nhiều so với một vài model tầm giá 3 triệu đồng như LG Magna (19.093 điểm) hay Sony Xperia E4 Dual (18.621 điểm)... Thực tế, khi chạy game Asphalt Over Drive, chiếc smartphone giá rẻ tới từ Lenovo thể hiện khá mượt mà. Dù vậy, thời gian khi tải game vẫn khá lâu, chưa nhanh được như các smartphone cấu hình cao hơn.
RAM 1GB cũng là trang bị đáng để quan tâm vì hầu hết các smartphone tầm giá dưới 2 triệu đồng đều chỉ có RAM 512MB. Trong khi đó, dung lượng RAM trống trên Lenovo A1000 thường duy trì ở mức 450 đến 500MB. Nhờ vậy, máy hoạt động tương đối mượt, ít gặp phải tình trạng treo hay bị văng khỏi ứng dụng do tràn bộ nhớ. Điểm này hài lòng so với mức giá rẻ chỉ ngang một chiếc Feature Phone.
Video dùng thử Lenovo A1000:
Một lợi thế khác ở A1000 so với các smartphone phổ thông cùng tầm là Android 5.0 Lollipop, trong khi phần nhiều các đối thủ đều đang chạy Android 4.4 KitKat. Giao diện của máy được Lenovo tuỳ biến với 2 chủ đề khác hoàn toàn Android gốc, loại bỏ khay quản lý ứng dụng App Drawer đặc trưng.
Tuy nhiên, A1000 vẫn sở hữu tính năng đặc trưng của Lollipop như khả năng sử dụng đa tài khoản, thông báo ngoài màn hình khoá hay khu vực cài đặt nhanh ở thanh thông báo Notification.
Camera
Khó đòi hỏi nhiều ở camera của một smartphone giá chỉ hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu so với Lumia 435 hay 430 của Microsoft, những model cùng tầm, Lenovo A1000 lại nhỉnh hơn. Camera chính ở phía sau có độ phân giải 5 megapixel, có đèn LED và hỗ trợ cả chế độ chụp HDR lẫn Panorama, quay video với chất lượng Full HD 1.080p.
Ở điều kiện đủ sáng, ảnh chụp cho màu sắc khá tốt và sát với thực tế, ánh sáng hài hoà. Nhưng hạn chế dễ nhận thấy là độ chi tiết kém. Chi tiết kém, vẫn bị bệt màu và nhiễu nhẹ khi phóng lớn ảnh. Như nhiều smartphone phổ thông khác, Lenovo A1000 sử dụng tiêu cự lấy nét cố định, không thể chạm để lấy nét nên khó chụp cận cảnh.
Nhìn chung, camera trên Lenovo A1000 chỉ đủ dùng dù khá hơn một vài model cùng tầm tiền. Camera trước với độ phân giải 0,3 megapixel chưa đủ chuẩn để selfie, chỉ thích hợp để đàm thoại hình video-call.
Một số ảnh chụp thử từ Lenovo A1000
Pin
Smartphone Lenovo thường để lại ấn tượng về pin, dù vậy, A1000 lại không có được ưu điểm này. Pin đi kèm theo máy sở hữu dung lượng cao trong phân khúc, khi có 2.000 mAh, cao hơn khoảng 400 mAh so với Zenfone 4, Lumia 430 và Lumia 435.
Nhưng thực tế, nó cũng chỉ đủ để sử dụng trong một ngày, nếu người dùng sử dụng kết nối Internet (3G hoặc Wi-Fi) thường xuyên và dùng cả 2 sim. Một điểm khó bằng những mẫu điện thoại "cục gạch" chuyên nghe gọi. Pin ở A1000 sụt nhanh ở những mức dung lượng đầu hoặc khi chơi game. Thời gian hoạt động của màn hình thường chưa tới 2 giờ.
Xét về nhiều mặt, Lenovo A1000 đang là một trong số ít lựa chọn hợp lý ở phân khúc smartphone phổ thông tầm giá 1 đến 2 triệu đồng. Hiệu năng ổn và trải nghiệm khá mượt mà cùng với hệ điều hành Android 5.0 Lollipop là điều mà không nhiều sản phẩm cùng tầm tiền có được.
Tuấn Anh