Theo Dogtime, tại Mỹ có 7 bang cấm tuyệt đối với thịt chó là California, Georgia, Hawaii, Michigan, New Jersey, New York và Virginia. Tuy nhiên, các lò giết mổ trên toàn nước Mỹ đều bị cấm tiếp nhận chó, còn các cửa hàng bị cấm rao bán. Lệnh cấm này không áp dụng với cá nhân, tức một người vẫn có thể giết mổ, ăn hoặc bán miễn là việc mua bán không thực hiện qua cửa hàng.
Trong các bang cấm thịt chó, mức độ cấm cũng khác nhau. Ví dụ, New York cấm “không được giết mổ chó hoặc mèo nhà để làm thực phẩm hoặc lấy thịt cho người ăn”. Bang California cấm cả việc sở hữu thịt chó, như vậy người dân trong bang không thể vin vào lý do họ không trực tiếp mổ mà chỉ lấy thịt từ nơi khác để bao biện cho hành vi ăn thịt chó.
Bang Virginia nghiêm cấm hành vi vô cớ giết hại những loài động vật không có liên hệ tới hoạt động nông nghiệp. Theo đó, chó thường không phải là động vật được chăn nuôi trong trang trại nên việc giết chó lấy thịt bị coi là thừa thãi và bị nghiêm cấm.
Ngày 12/9 vừa qua, Hạ viện Mỹ vừa thông qua đạo Luật Cấm kinh doanh thịt chó mèo 2018, trong đó quy định hành vi giết mổ, vận chuyển, mua bán chó mèo sẽ bị phạt tối đa 5.000 USD và có thể phải ngồi tù tối đa một năm.
Canada
Quốc gia này không có quy định cấm trực tiếp việc bán và phục vụ thịt chó. Tuy nhiên, một cửa hàng muốn phục vụ bất cứ một loại thịt nào theo luật đều phải lấy hàng từ xưởng sản xuất thịt đạt tiêu chuẩn của cơ quan thanh tra thực phẩm. Trong khi hiện tại không có xưởng sản xuất thịt nào ở Canada được cấp phép giết chó lấy thịt.
Nếu giết mổ chó một cách vô cớ, hành vi đó có thể bị coi là ngược đãi động vật và xâm phạm vào bộ luật hình sự. Người bị kết án có thể đối diện mức phạt tù lên tới 5 năm.
Hong Kong
Chính quyền Hong Kong đã ban hành Sắc lệnh chó mèo vào năm 1950: Nghiêm cấm việc giết mổ chó mèo để lấy thịt và được đảm bảo thực hiện bằng cả hình thức phạt tiền lẫn phạt tù.
Tháng 2/1998, một công dân đã phải chịu mức án một tháng tù và phải nộp phạt 2.000 đôla Hồng Kông do săn bắt chó vô chủ để giết thịt. Tháng 12/2006, bốn người đã bị tuyên phạt mức án như trên vì đã giết mổ hai con chó.
Đài Loan
Sau Singapore và Hong Kong, Đài Loan đã trở thành vùng lãnh thổ thứ ba tại châu Á ban hành lệnh cấm tiêu thụ với thịt chó mèo.
Tháng 4/2017, Viện lập pháp Đài Loan phê duyệt Luật bảo vệ động vật sửa đổi, theo đó người vi phạm sẽ bị bêu tên công khai và phải chịu mức phạt tiền lên tới 250.000 đài tệ.
Bên cạnh đó, người nào cố ý làm hại hoặc tra tấn động vật có thể bị phạt tù lên tới hai năm và bị phạt hai triệu đài tệ.
Ngoài ra, việc dắt động vật đi dạo trong khi đang lái xe cũng bị coi là phạm pháp.
Hàn Quốc
Dù không có lệnh cấm cụ thể, nhưng khi Thế vận hội Pyeongchang 2018 tới gần, nhà chức trách Hàn Quốc viện dẫn quy định về vệ sinh và bảo vệ động vật khỏi phương thức giết mổ tàn bạo để siết chặt và đóng cửa nhiều trang trại và cửa hàng bán thịt chó.
Tòa án thành phố Bucheon, thành phố vệ tinh của thủ đô Seoul đã phạt 3 triệu won với một chủ trại chó có hành vi giết hại động vật mà không có lý do chính đáng.
Áo
Hành vi giết thịt chó mèo làm thực phẩm hoặc vì các mục đích khác đều bị nghiêm cấm, theo khoản 2 điều 6 Luật Bảo vệ động vật.
Người vi phạm sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tối đa 7.500 Euro, nếu tái phạm sẽ bị phạt tối đa 15.000 Euro.
Thụy Sĩ
Người nông dân được phép giết thịt chó để phục vụ nhu cầu tiêu thụ cá nhân. Nhưng hành vi giết mổ chó mèo vì mục đích thương mại bị cấm, theo điều 2 của sắc lệnh Bộ Nội vụ Liên bang ban hành ngày 23/11/2005,quy định về nguồn gốc thực phẩm làm từ động vật.
Người vi phạm sẽ bị phạt mức tiền tối đa lên tới 20.000 Swiss Franc và có nguy cơ bị phạt tù tùy vào mức độ nghiêm trọng.
Australia
Không có lệnh cấm cụ thể với hành vi ăn thịt chó mèo ở các bang nhưng hành vi này gần như không tồn tại trong xã hội Australia. Ở đây, thú nuôi nhận được sự bảo vệ chặt chẽ từ pháp luật và các tổ chức phi lợi nhuận.
Tuy vậy, hành vi rao bán thịt chó mèo bị nghiêm cấm trên cả nước và mỗi bang đều có luật chống ngược đãi động vật rất nghiêm khắc. Người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt tiền lên tới 1.250 AUD.