Người gửi: L.V.T,
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Lên và xuống tàu hoả ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ngoại trừ ga đầu tiên thì khi tàu dừng ở các ga dọc đường, người lên tàu không biết được cửa mỗi toa sẽ dừng ở vị trí nào và đương nhiên không biết toa mình cần lên, ví dụ toa số 5, ở vị trí nào. Từ đó dẫn đến cảnh người đứng phía đầu đoàn tàu chạy về cuối và ngược lại người đứng phía cuối chạy lên đầu. Điều này vừa gây phiền toái cho hành khách, vừa làm chậm hành trình của đoàn tàu.
Thực ra việc đoàn tàu dừng đúng vị trí không phải quá khó khăn, nếu như đầu tàu dừng đúng vị trí đã đánh dấu trên sân ga thì đương nhiên cửa lên xuống các toa cũng đúng vị trí do khoảng cách giữa các toa, chiều dài toa, vị trí cửa... là cố định.
Việc xác định chính xác toa số mấy dừng tại vị trí nào cũng rất đơn giản nếu như ngành đường sắt tuân thủ chặt chẽ quy tắc đánh số toa, ví dụ từ 1 đến 10 theo chiều Bắc - Nam, các toa không chở khách (để xe, chứa hàng hoá, thực phẩm...) nằm giữa đầu tàu và toa chở khách là cố định.
Ngoài ra, nên thiết kế cửa lên xuống rộng hơn, các bậc thang không quá cao, khoảng cách từ bậc cuối cùng đến sân ga không quá lớn. Cần mở hai cửa mỗi toa, một cửa lên và một cửa xuống, nếu không đủ nhân viên quản lý thì có thể mở một cửa nhưng phải để người trên tàu xuống hết thì người dưới sân ga mới được lên tàu. Hiện nay phổ biến tình trạng nhân viên không tích cực trong việc quản lý lên xuống dẫn đến người trên tàu chưa xuống hết, người dưới sân ga đã lên gây ra tình trạng "hai con dê qua cầu".
Đó là chuyện lên - xuống còn chuyện ra - vào ở các cửa mua vé tàu cũng đáng phải lên tiếng. Ở nước ngoài ý thức của con người dù rất cao nhưng họ vẫn làm các lối xếp hàng mua vé rất kiên cố, lối ra chỉ có thể ra mà không vào được (tương tự như cái chạc ba xoay một chiều ở siêu thị), không có chuyện người mua vé chen ngang đi vào từ... lối ra như ở ga Hà Nội. Các ga khác thì đương nhiên không có lối xếp hàng dẫn đến "mạnh ai nấy mua" và thiệt thòi cho những người xếp hàng nghiêm túc hoặc phụ nữ, trẻ em, người già.
Thiết nghĩ đã đến lúc công luận cần lên tiếng để ngành đường sắt cần thay đổi cách phục vụ hành khách cho văn minh hơn.