Một hội thảo quốc tế về Tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ hội Phủ Giầy vừa diễn ra trong hai ngày tại Câu lạc bộ Báo chí Hà Nội. Chủ đề chính được bàn luận là các hình thức xuất nhập hồn trên thế giới và việc gọi tên là Shaman còn gây nhiều tranh cãi.
Trước khi ngồi vào bàn thảo luận, các nhà khoa học quốc tế đã sang Phủ Giầy, trung tâm thờ Mẫu của người Việt, “mục sở thị” các lễ hầu đồng. Trong số khoảng 40 tham luận, hơn 1/3 bàn về lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu, còn lại là những nghiên cứu bước đầu về nghi lễ hầu đồng của người Việt, nghi lễ Then của người Tày, Mỡi của người Mường… Và rất nhiều hình thức Shaman (xuất nhập hồn) trên thế giới.
Chân dung những thầy pháp, người lên đồng được miêu tả khá kỹ. Những người này hầu hết đã trải qua những biến cố bất thường về tinh thần, đa số đã đi đến khủng hoảng, bế tắc.
Nhân tố ám thị
Khảo sát trên 10 người hầu đồng tại khu vực Phủ Giầy Nam Định, bác sĩ Trần Mạnh Cường đưa ra kết luận: Lên đồng lễ hội Nam Định là một trạng thái biến đổi ý thức do nhân tố ám thị và tự ám thị gây ra. Nhân tố mạnh nhất là lòng tin truyền thống của người hầu đồng cũng như gia đình và những người xung quanh vào sự tồn tại của thần linh và khả năng tiếp xúc giữa người trần với thần linh qua thân thể của người hầu đồng. Rồi nhạc cụ gõ, màu sắc kích thích (đỏ và vàng), nhạc, hương khói, hát chầu văn, chất kích thích (rượu, thuốc lá, trầu cau…), sự say mê và nhiệt tình của con nhang đệ tử… cũng là những yếu tố thúc đẩy trạng thái biến đổi ý thức của người hầu đồng.
Nhu cầu chữa bệnh
Nhạc lên đồng - chầu văn, có người ví là rock Việt Nam với hai đặc trưng là sự lặp đi lặp lại của trật tự các nghi lễ và tính chất mạnh mẽ, náo nhiệt của tiết tấu nhảy, phù hợp với nhiều kiểu vận động và trạng thái tình cảm khác nhau, lúc thì khiến tâm hồn người ta bay bổng, lúc đau đớn buồn thương, lúc lại hừng hực khí thế, lúc phấn chấn say mê… Nhìn từ phương diện y học, lên đồng không phải là một trạng thái tâm lý đặc biệt… và rõ ràng trong xã hội có tồn tại một nhu cầu chữa bệnh bằng hình thức lên đồng (tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiền, Viện Nghiên cứu Tôn giáo).
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng được giới thiệu nhiều hình thức có tính nhập, xuất hồn như: Hiện tượng giáng bút ở Việt Nam; Hiện tượng diễn xướng sử thi; Phi Một - phương pháp chữa bệnh của người Thái; Shaman giáo của người H’Mông ở Lào Cai, Shaman của người Malaysia; Hôn nhân huyền bí và việc tích luỹ sức mạnh Shaman giữa các dân tộc Bana (miêu tả và nghiên cứu giấc mộng về quan hệ nam nữ với thần thánh của người được chọn là Shaman)…
Tưởng tượng chứ không ghi nhớ
Trường hợp các nghệ nhân Mường, Bana, Mnông, Êđê, Raglai… ngồi và nằm kể sử thi cũng như một trạng thái nhập thần. Bà Pinăng Mutơt, năm nay 95 tuổi, người Raglai ở Khánh Sơn, Khánh Hoà khi kể sử thi trạng thái tâm thần không bình thường như lúc chuyện trò, bà thấy hiện ra trước mặt các nhân vật như Uđai-Ujà, phong cảnh núi non sông suối. Có nghệ nhân kể sử thi một lèo suốt 42 tiếng và vì thế việc kể thuộc lòng một khối lượng rất lớn sử thi không phải là khó hiểu nếu chúng ta cho rằng nghệ nhân đang thuật lại những gì hiện lên trong đầu chứ không phải huy động trí nhớ (tham luận của PGS. TSKH Phan Đăng Nhật).
Về hiện tượng giáng bút, GS Vũ Ngọc Khánh đề nghị giới khoa học phải nhìn nhận nghiêm túc hơn để theo dõi. Cùng với giáng bút, sinh hoạt đạo giáo như cầu cơ và những trò chơi dân gian: phụ đồng chổi, đồng chén, đồng ếch… đều là những hình thức mang tính chất gần gũi với tục lên đồng.
Cho đến nay việc nghiên cứu cơ chế trị liệu của lên đồng nói riêng và các hình thức trị liệu dân gian khác về phương diện tín ngưỡng - tâm linh còn ít được chú ý đến ở Việt Nam.
(Theo Tiền Phong, 12/4)