Thứ sáu, 3/5/2024
Thứ bảy, 13/5/2023, 09:43 (GMT+7)

Lên đỉnh núi 2.700 m ngắm cảnh Việt Nam và Lào

Nghệ AnPuxailaileng cao 2.700 m là đỉnh núi cao nhất của dãy Bắc Trường Sơn - ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào.

Đỉnh Puxailaileng nằm trên dãy Puxai, thuộc xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Đỉnh có độ cao hơn 2.700 m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất Nghệ An và cao nhất dãy Bắc Trường Sơn - ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An.

Chị Bùi Hương (27 tuổi, Nghệ An) trekking đỉnh Puxailaileng dịp Tết Âm lịch. Đoàn của chị đến Na Ngoi vào 27/1 và nghỉ lại qua đêm tại nhà của hướng dẫn viên, anh Vi Văn Sơn ở xã. Trong ảnh là khung cảnh tại xã Na Ngoi.

Từ UBND xã Na Ngoi, đoàn di chuyển khoảng 800 m đến đồn biên phòng Na Ngoi để đăng ký leo núi. Thủ tục chỉ cần xuất trình căn cước công dân để cán bộ đồn biên phòng ghi lại thông tin cá nhân.

Sau đó, họ di chuyển bằng xe máy khoảng 18 km, qua trạm kiểm soát Biên phòng Buộc Mú (thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi), theo đường tuần tra biên giới đi tới chân núi.

Tuyến đường tuần tra biên giới dài khoảng 15 km, tuy đã được đổ bê tông nhưng địa hình dốc, nhiều đoạn bị sạt lở. Đất, đá, cành cây bị mưa lũ cuốn xuống khiến đường đi lởm chởm, họ phải cẩn thận men theo vết xói lở để đi. Đi được khoảng hơn 10 km, đường bị sạt lở nghiêm trọng, họ phải đi bộ thêm khoảng 5 km để đến chân núi.

Quãng đường từ chân núi lên đỉnh khoảng 800 m, thời gian leo trung bình mất một tiếng. Đường đi chủ yếu xuyên qua rừng với thảm thực vật phong phú: rừng sa mu nguyên sinh, những cây pơ mu cổ thụ, rong rêu, dương xỉ.

Chị Hương ấn tượng với một số loài hoa có màu sắc bắt mắt trên đường, khiến hành trình trekking trở nên thú vị và bớt mệt mỏi hơn. "Tôi có chút tiếc vì đi hơi sớm. Nếu đi vào khoảng tháng 3 hay 4 sẽ vào đúng mùa hoa đỗ quyên, khung cảnh sẽ còn rực rỡ hơn", chị nói.

Trên đường đi, có những địa điểm đẹp để các thành viên đoàn ngắm, chụp ảnh. Khi đi trong rừng, những cành cây bám đầy rêu đan cài vào nhau vươn cao, ánh nắng xiên qua những tán lá tạo thành từng tia chiếu xuống mặt đất. Đến những đoạn có thể phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy những dãy núi trùng điệp, mây trắng bao quanh, chị Hương chia sẻ.

Dột mốc 422 phân chia biên giới Việt - Lào nằm cách đỉnh khoảng 200 m. Thời gian họ di chuyển từ chân núi đến cột mốc mất khoảng 1,5 tiếng, tính cả nghỉ ngơi.

Quãng đường từ cột mốc đến đỉnh Puxailaileng dốc và nhiều cây cối rậm rạp. Khi lên đến đỉnh, hiện ra trước mắt là biển mây trắng vô tận trùm lên đỉnh những ngọn núi.

Anh Sơn cho biết, bà con người Mông ở xã Na Ngoi thường gọi đây là nơi "đất cao, trời thấp". Vì nằm gần biên giới Việt - Lào nên đứng trên đỉnh, du khách có thể ngắm cảnh núi rừng của cả nước bạn Lào ở phía sau (ảnh).

Từng leo nhiều đỉnh núi ở khu vực phía Nam, chị Hương đánh giá Puxailaileng phù hợp với cả những người mới bắt đầu hoặc những người có ít thời gian vì có thể trekking trong ngày. Đây cũng là một lựa chọn mới cho những người yêu thích trekking vì đỉnh núi này chưa nhiều người biết đến, còn nguyên vẻ hoang sơ và có thể săn mây như các đỉnh ở miền núi phía Bắc.

Theo anh Sơn, thời gian thích hợp để trekking đỉnh Puxailaileng là vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Khi mùa mưa đến, trời mưa nhiều, trên núi nhiều khả năng xảy ra các hiện tượng sạt lở đất, đá, không an toàn cho trekking.

Du khách nên di chuyển đến Na Ngoi từ ngày hôm trước để sáng hôm sau (khoảng 7-8h) bắt đầu leo núi. Như vậy có thể đảm bảo sức khỏe và thời gian trekking trong ngày. Nếu đi muộn hơn, khu vực này không cho phép cắm trại qua đêm, du khách phải di chuyển về trong đêm trên quãng đường 10 km với nhiều đoạn sạt lở, rất nguy hiểm.

Du khách nên chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, nước uống, dụng cụ y tế trước khi trekking. Mặc trang phục thể thao, đi giày hoặc ủng để di chuyển linh hoạt.

Tổng quãng đường đi bộ để lên đỉnh núi khoảng gần 6 km. Trung bình, thời gian leo lên mất 1-2 tiếng, xuống núi mất khoảng hơn 1 tiếng tùy thể lực từng người.

Đỉnh Puxailaileng đang được chính quyền địa phương khai thác theo hình thức du lịch mạo hiểm với trải nghiệm trekking, khám phá rừng nguyên sinh.

Quỳnh Mai
Ảnh: Rong Biển

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net