Người này ở Hà Nội, cùng anh em họ hàng đến huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để làm lễ dạm ngõ hỏi vợ cho con trai. Sau tiệc rượu, ông đột nhiên đau ngực, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường cấp cứu.
Bác sĩ tại Trung tâm Y tế gửi thông tin bệnh cảnh bệnh nhân vào nhóm Cấp cứu Vĩnh Phúc - một nhóm trao đổi chuyên môn và hội chẩn những ca cấp cứu đặc biệt do bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc sáng lập - để cùng hội chẩn.
Nhóm chuyên gia hội chẩn, nhận định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, chỉ định dùng thuốc chống tập kết tiểu cầu sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc điều trị. Trên đường vận chuyển, người bệnh ngừng tim, ngừng thở. Đến viện các bác sĩ khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện nhiều lần. Sau 30 phút, trái tim đập trở lại nhưng người bệnh hôn mê sâu, phải thở máy.
Đánh giá tình trạng người bệnh nặng nề, các bác sĩ liên tục hội chẩn, quyết định can thiệp chụp động mạnh vành và tái tưới máu vùng nhồi máu cơ tim càng sớm càng tốt. Bệnh nhân được can thiệp động mạch vành qua da trong tình trạng hôn mê và sử dụng an thần.
Kết quả chụp mạch, người bệnh tắc hoàn toàn động mạch mũ - một trong ba nhánh của động mạch vành. Đây là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến ngừng tuần hoàn nhiều lần. Xác định được nguyên nhân và vùng nhồi máu cơ tim, các bác sĩ đặt một stent phủ thuốc tại động mạch mũ.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, hiện người bệnh đã hoàn toàn bình phục, chức năng tim trở lại bình thường và đủ điều kiện xuất viện.
Nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng nguy hiểm tính mạng, xảy ra khi dòng máu đến cơ tim đột ngột bị ngừng trệ, dẫn đến thiếu máu mô cơ tim. Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp rất đa dạng, điển hình là đau ngực và khó thở. Các triệu chứng bao gồm: Cảm giác nặng ngực hoặc thắt bóp trong tim; đau vùng ngực lan ra sau lưng, lên hàm hoặc cánh tay trái, kéo dài hơn vài phút hoặc có thể hết sau đó tái phát; khó thở; vã mồ hôi; buồn nôn và nôn; hồi hộp, cảm giác ngột thở; nhịp tim nhanh; mệt mỏi.
Có nhiều cách để dự phòng nhồi máu cơ tim cấp, gồm thay đổi ăn uống và lối sống. Bữa ăn nên chứa chủ yếu ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, hoa quả, protein nạc. Giảm các thực phẩm chứa đường, đồ đã qua chế biến. Chế độ ăn đặc biệt quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao.
Lê Nga