Sáng 9/11, nằm điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân này được các bác sĩ tiêm thuốc an thần, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để kiểm tra virus dại.
Người nhà cho biết bệnh nhân quê ở Hà Nội, làm trang trại ở tỉnh Hưng Yên. Hai tháng trước, khi thấy một con chó dồn đàn gà, anh đánh đuổi và bị con vật cắn vào bàn tay. Tuy nhiên, người đàn ông đã không tiêm phòng dại.
"Bệnh nhân có tiền sử chó cắn, thêm dấu hiệu điển hình sợ gió, sợ nước nên chúng tôi nhận định người này có thể bị bệnh dại", PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, nói.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại. Bệnh này có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vaccine nhằm củng cố miễn dịch lâu dài.
Biểu hiện của căn bệnh là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hà Nội, trong năm 2022, thành phố đã ghi nhận hai ca mắc bệnh dại và đều tử vong. Cùng kỳ năm 2021, thủ đô chỉ ghi nhận một trường hợp tử vong. Tất cả trường hợp trên đều không tiêm vaccine phòng bệnh sau khi bị chó cắn.
Còn trên cả nước, 9 tháng qua, Bộ Y tế ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh. Số tử vong nhiều nhất là ở Bến Tre (12 ca), Kiên Giang 5 và Gia Lai 4. 6 tháng đầu năm, tổng đàn chó cả nước là gần 7 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng trung bình đạt khoảng 40% tổng đàn. Chỉ 13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng dại trên 70% tổng đàn chó.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị chó mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc, người dân cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó mèo cắn.
Lê Nga