Tôi khao khát được nhìn thầy trò Claudio Ranieri nâng cao chức vô địch Ngoại hạng Anh. Trong cuộc đời thể thao của mình, tôi không nghĩ mình từng có mơ ước nào cháy bỏng hơn thế.
Một điều rất phi thường đang xảy ra trong thế giới bóng đá. Một điều gì đó khiến logic cần phải được định nghĩa lại. Một điều gì đó kỳ diệu. Một điều gì đó khiến tôi thức dậy mà lòng tràn ngập cảm xúc suốt mấy tháng qua. Bởi vì tất cả những điều ấy đều đang diễn ra tại CLB của tôi, CLB mà tôi đã yêu và cổ vũ từ hồi còn bé.
Tôi từng chứng kiến Leicester City thua trong trận chung kết Cúp FA cùng với bố và ông nội. Năm ấy, tôi 8 tuổi và đã khóc suốt chặng đường về nhà. Tôi đã chứng kiến Leicester thăng hạng rồi rớt hạng. Tôi chơi cho Leicester trong tám năm đầu sự nghiệp. Tôi và một nhóm bạn còn góp tài chính để góp phần cứu CLB khỏi cảnh vỡ nợ. Nhưng không có gì sánh được với những gì đang diễn ra. Không gì cả. Những điều kỳ diệu thế này làm sao có thể đến với CLB như của tôi chứ!
Ngày này một năm về trước, Leicester hãy còn ở chót bảng điểm, với một đội hình không khác gì mấy so với hiện tại. Những gì diễn ra từ đó trở đi đã vượt xa sự tiên liệu của tất cả. Đầu tiên, dưới sự dẫn dắt của Nigel Pearson, Leicester đã có một màn thoát hiểm ngoạn mục nhất trong lịch sử để có thể trụ lại Ngoại hạng Anh.
Nhưng rồi sau hành trình đáng nhớ ấy, trước sự thất vọng thấy rõ của hầu hết người hâm mộ Leicester, Pearson bị sa thải, có lẽ vì ba cầu thủ trẻ đã có hành động không thể chấp nhận khi du đấu ở Thái Lan, quê hương của ông chủ Leicester. Và một trong ba cầu thủ ấy lại là con trai của Pearson.
Thế là CLB rơi vào một cơn hoảng loạn đầu mùa. Leicester cần ngay một HLV mới.
Claudio Ranieri xuất hiện.
Khi ấy, tôi và rất nhiều người khác đón nhận tin này với không nhiều hào hứng. Tôi còn nói là trong công việc gần nhất trước khi đến với Leicester, ông ta đã dẫn dắt đội tuyển Hy Lạp thua đội bóng hạt tiêu Đảo Faroe. Tôi không thể giấu diếm phát ngôn ấy, Twitter sẽ tố cáo tôi.
Rồi tôi nhận ra mình đã sai. Và tuyệt vời làm sao, tôi sai thậm tệ.
Ban đầu, nhà cái cũng ở về phía tôi, họ đặt Leicester lên làm ứng viên hàng đầu cho suất rớt hạng. Để rồi điều kỳ diệu đã xuất hiện vào cái thời điểm chẳng ai chờ đợi.
Những gì chúng ta đang chứng kiến, nếu Leicester mà vô địch vào cuối mùa, có lẽ là chiến công vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử các môn thể thao đồng đội. Một tập thể mà một năm trước không thắng nổi ai giờ lại trở thành một binh đoàn bất khả chiến bại. Một đội bóng được xây đắp bởi sự đoàn kết và tinh thần mà lâu lắm rồi bóng đá mới lại chứng kiến. Người xây nên đội bóng ấy chính là người đàn ông thận trọng, tỉ mỉ nhưng cũng giàu cảm hứng ấy: Gã thợ hàn.
Vậy chúng ta phải giải thích thế nào cho điều không thể giải thích? Tháng 3 năm ngoái, thi hài của Vua Richard III được cải táng ở nhà thờ Leicester. Và cũng từ ngày ấy, Leicester hồi sinh trở lại rồi tiến đến ngai vàng Ngoại hạng Anh. Lý do ấy có quá mê tín không?
Vậy hãy đi vào những lý do thực sự. Các cầu thủ tỏ ra chật vật ở mùa đầu tiên tại Ngoại hạng Anh giờ đã tự tin hơn, kinh nghiệm hơn. Màn hồi sinh ở cuối mùa giải trước cho họ sự tự tin là mình có thể đá ngang ngửa với bất kỳ đội bóng nào. Jamie Vardy bắt đầu ghi bàn liên tục với đôi chân thần tốc của cậu ấy.
Riyad Mahrez, chàng tiền vệ mảnh khảnh chạy trên những mũi chân thoăn thoắt, liên tục trình diễn tài nghệ hết tuần này đến tuần khác. Sự xuất hiện của N’Golo Kanté cùng với một Danny Drinkwater khỏe khoắn hơn đã làm nên cặp tiền vệ trung tâm hay nhất Ngoại hạng Anh. Bên cạnh đó phải kể đến những nguồn năng lượng tích cực từ Marc Albrighton, Shinji Okazaki và Jeffrey Schlupp.
Kasper Schmeichel quá tuyệt vời trong khung thành, đã vậy còn thể hiện được cái phẩm chất lãnh đạo hàng thủ, có lẽ thừa hưởng được từ người bố. Thế nhưng điều kỳ diệu nhất lại đến từ hàng thủ, một hàng thủ tạo nên bởi bộ tứ bốn người thất bại trước đó. Họ chơi với phong độ để đời và ngày càng điềm tĩnh hơn.
Leicester không phải là đội bóng thích kiểm soát bóng, nhưng họ luôn khai thác được điểm yếu của đối thủ. Một đội hình được tổ chức hoàn hảo, một tinh thần chiến đấu không ngoan nhượng và khả năng tổ chức phản công tuyệt hảo. Từ chỗ chuẩn bị rớt hạng, giờ họ trở thành một đội bóng đầy sức mạnh.
Chúng ta vẫn phải chờ xem Leicester có thể kể nốt câu chuyện kỳ diệu của mình hay không. Bởi vì nếu CLB có thể vươn lên từ nỗi thất vọng, họ cũng có thể khiến chúng ta trở về đó. Nhưng tôi hy vọng điều ấy sẽ không diễn ra.
Tôi không nghĩ mình từng khao khát được thấy điều gì nhiều hơn thế trong toàn bộ cuộc đời thể thao của mình. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy ba đứa con trai của mình cũng đều dõi theo tình yêu của bố. Ngay cả đứa lớn nhất, George, đã ủng hộ Man Utd suốt từ bé, nay cũng muốn nhìn thấy Leicester vô địch.
Còn bố tôi? Ông ấy vừa viết trên Twitter: "Tôi đã chờ điều này suốt 70 năm". Và càng lúc trên thế giới lại càng có đông người hơn cũng muốn nhìn thấy Leiceister vô địch. Thứ áp lực ấy rất khủng khiếp và sẽ tăng dần theo thời gian. Sự kỳ vọng luôn đi kèm với hiểm họa. Nhưng hiện tại, Leicester cho thấy họ vẫn đối diện với điều đó rất tốt. Thầy trò Ranieri đang đi trên lằn ranh của một sự bất tử trong thể thao.
Đừng sợ hãi, đội bóng của tôi. Hãy nhớ lấy lời Vua Richard III: "Ta sợ gì ư? Chính mình!".
Thuỷ Tiên