M9 không giống như những DSLR thông thường. Ảnh: Leica. |
Leica đã trải qua một thời kỳ khá lâu để chuyển sang kỷ nguyên kỹ thuật số. Các vấn đề về lấy nét đã làm trì hoãn sự ra mắt của thân kỹ thuật số (digital back) cho các máy SLR dòng R, rồi đến bộ lọc hồng ngoại trên M8 khiến phải bổ sung thêm các bộ lọc đặc biệt cho các ống kính lắp thêm. Các fan Leica cũng đã phải chờ đợi hàng năm trời để một chiếc Leica dòng M có cảm biết full-frame chuyên nghiệp hơn. Với sự ra mắt của phiên bản M9 cảm biến 18 triệu điểm ảnh và khả năng tái hiện màu sắc trung thực, chính xác, Leica đã không làm các fan thất vọng cũng như không làm hổ danh tiếng bấy lâu của mình.
Nếu chưa bao giờ dùng Leica, bạn nên lưu ý một điều là M9 không phải là một máy ảnh DSLR, vì thế cách căn khung hình sẽ rất khác. Và bạn cũng sẽ phải làm quen với việc chụp chỉnh tay nhiều hơn thay vì các tính năng tự động quen thuộc bấy lâu.
Nếu xác định đi chụp hoang dã thì tốt nhất phải mang thêm máy khác, bởi ống kính dài nhất có thể lắp trên Leica là ống 135 mm. Nhưng nếu muốn chụp trong điều kiện thiếu sáng thì Leica lại có sẵn những ống rất đặc chủng (như ống Noctilux tiêu cự 50 mm f/0.95, giá tới 10.000 USD). Còn nếu muốn các tính năng kiểu như đo sáng ma trận hay quay video, bạn sẽ càng thất vọng, bởi lẽ các máy của Leica không chạy theo tích hợp nhiều tính năng mà được đơn giản hóa một cách tối đa.
Lấy nét và căn khung
Do là lấy nét chỉnh tay, nên tốc độ lấy nét của M9 không thể như những hệ thống AF hiện nay. |
Mặc dù hệ thống đo sáng cũng là kiểu qua ống kính (through the lens - TTL), nhưng không phải bạn sẽ nhìn khung cảnh qua ống kính (bằng hệ thống gương lật và phản chiếu) như đối với các máy DSLR, mà bạn sẽ nhìn cảnh vật thông qua một khung ngắm trực tiếp giống như trên máy ảnh phim du lịch thời xưa.
Ở hệ thống lấy nét của Leica, hai hình ảnh sẽ được thu qua khung nhỏ cạnh ống kính, và ở khung ngắm sẽ hiển thị với hình ảnh này chồng lên lên hình ảnh kia. Khi lấy nét (bằng tay) phần chồng nhau ở giữa sẽ chuyển động đến khi trùng nhau và lúc này hình ảnh là đúng nét. Kiểu lấy nét này dễ dàng hơn so với kiểu trên DSLR trong những điều kiện ánh sáng yếu.
Nhưng nó cũng có hạn chế, đó là do phải chỉnh tay nên tốc độ lấy nét không thể nhanh như những hệ thống AF hiện nay được. Người chụp còn phải chú ý tới đường căn khung trong khung nhìn nữa bởi đường căn khung này sẽ thay đổi tùy theo ống kính nào được lắp vào máy. Máy sẽ nhận dạng ống kính qua mã in trên ống.
Tất cả ống kính của Leica đều in rõ tỷ lệ khoảng cách và độ sâu trường ảnh. Ảnh: Leica. |
M9 có các đường căn khung cho các tiêu cự 28 và 90 mm, 35 và 135 mm, hay 50 và 75 mm. Người dùng khó có thể lẫn, bởi các đường này khá khác biệt trong khung ngắm. Tuy nhiên, do kiểu ngắm này không zoom nên mặc dù dùng ống 135 mm, bạn vẫn thấy toàn cảnh và việc nhìn chi tiết trong một ô nhỏ tương đương tiêu cự 135 mm trên khung ngắm cũng gặp không ít khó khăn.
Thêm nữa, dù kiểu lấy nét trung tâm bằng cách chồng hình có vẻ dễ dàng hơn, nhưng nếu đối tượng không ở trung tâm thì quá trình lấy nét và căn khung cũng sẽ khá vất vả do phải dùng mẹo.
Tuy nhiên, tất cả các ống kính Leica đều in rõ tỷ lệ khoảng cách và độ sâu trường ảnh. Vì thế, nếu người chụp xác định được khoảng cách từ máy ảnh tới đối tượng, thì thao tác còn lại chỉ là đặt khoảng cách và căn khung. Nếu thực hành tốt, bạn sẽ thấy rằng, cách ước lượng khoảng cách này cũng không khó khăn gì.
Nếu đã thuần thục ước lượng khoảng cách, việc căn nét trước sẽ tỏ ra rất hữu ích, nhất là đối với các cảnh chụp thường nhật. Tỷ lệ độ sâu trường ảnh trong trường hợp này rất quan trọng bởi nó sẽ cho bạn hình dung được vùng nét của ảnh. Với một ống kính góc rộng và trường nét lớn, khi đã có thể thành thục lấy nét tay thông qua ước luợng, bạn sẽ thấy mình vẫn có thể chụp những bức ảnh rất đẹp mà thậm chí có khi không cần phải nhìn qua khung ngắm.
Điều khiển tối giản
Thân máy hoàn toàn bằng kim loại. Ảnh: Leica. |
Leica được thiết kế với thân hoàn toàn bằng kim loại nên dù kích thước nhỏ nhưng trọng lượng vẫn rất đầm. Tất cả các chi tiết được thiết kế rất chắc chắn để giảm tối đa nhiễu và rung. Cửa trập kim loại được làm sao chỉ phát ra tiếng động rất nhẹ và thậm chí còn khó nhận thấy nếu tính năng Quiet Shutter được kích hoạt.
Người chụp có thể đặt tốc độ cửa trập thông qua vòng điều khiển ở mặt trên hoặc để cho máy tự tính toán nếu ở chế độ ưu tiên độ mở. Nút "Info" ở sau sẽ hiển thị lên màn hình thời lượng pin còn lại, dung lượng thẻ còn lại và một số tính năng cơ bản khác. Nút "Set" cho phép chỉnh cân bằng trắng, độ lớn và chất lượng nén ảnh, bù sáng và chụp bracketing. ISO được chỉnh bằng nút riêng và quay bánh xe điều khiển.
Các tính năng điều khiển trên máy ảnh được đơn giản hóa tới mức tối đa. Chỉ có một chế độ đo sáng, đó là đo vùng trung tâm. Khẩu độ và lấy nét được chỉnh tay hoàn toàn bằng các vòng trên ống kính.
Kết quả xuất sắc
Leica M9 đang chơi "một mình một sân". Ảnh: Leica. |
Theo trang Pop Photo, trên phương diện chụp thực tế đã tốt, thử nghiệm trong phòng lab, M9 còn tốt hơn với khả năng tái tạo màu rất chính xác, chất lượng ảnh tuyệt vời, xứng đáng là kế nhiệm hoàn hảo cho phiên bản M8 trước đây.
Các thử nghiệm về độ nhiễu chưa phản ánh được nhiều, bởi lẽ Leica không có chế độ nguyên bản kiểu RAW của riêng mình mà sử dụng định dạng DNG của Adobe (trong máy sẽ là Adobe Camera RAW_ACR) và định dạng nén JPG. Điều này có nghĩa là không có bất cứ mức độ giảm nhiễu mặc định nào. Vì thế, trong thử nghiệm này, M9 bị nhiễu hạt nhiều khi để ISO cao nhất 2.500 do chế độ giảm nhiễu của file ACR ở chế độ mặc định (0 luminance, 25 chrominance). Tuy nhiên, khi đẩy luminance lên 50 và chrominance lên 75 thì nhiễu đã giảm hẳn và đạt ở mức trung bình.
Với chế độ giảm nhiễu kiểu này, độ phân giải của M9 chỉ giảm xuống 2.560 dòng so với 2590 dòng ở chế độ mặc định của file ACR. Thậm chí, đo ở độ phân giải lớn nhất là 2.675 dòng ở ISO 80, chế độ mặc định ACR, chất lượng độ phân giải cũng suy giảm không đáng kể.
Một mình một sân
Khó mà có thể nhận xét M9 so với với các đối thủ ra sao bởi lẽ cũng chẳng có ai để so sánh cả. Epson thì chưa thấy có cảm hứng gì phát triển dòng rangefinder RD của mình sang thời đại số, còn Voigtländer thì vẫn mới chỉ có máy phim.
Kể cả khi dự định so sánh M9 với những máy DSLR Full Frame như Sony Alpha 850, hay những máy chuyên nghiệp có mức giá tương đương M9 như Nikon D3s, cũng khó biết lấy thông số gì ra để mà so. Các máy này hoàn toàn là những công cụ khác nhau phục vụ những phong cách nhiếp ảnh khác hẳn nhau. Một mình một sân chơi, M9 khó có thể coi là chuyên nghiệp (do kích cỡ và tính năng) nhưng cũng chẳng thể xếp vào dạng máy du lịch với mức giá ngất ngưởng (khoảng 9.000 USD) của mình.