Thứ tư, 6/7/2022, 11:53 (GMT+7)

Lee Young-jin: 'Tôi từng từ chối U23 Việt Nam vì đám cưới con trai'

Hà NộiTrong cuộc phỏng vấn với VnExpress, trợ lý HLV Lee Young-jin tiết lộ về lời đề nghị dẫn dắt U23 Việt Nam, sự thương quý dành cho Hà Đức Chinh và lòng trung thành với đàn anh Park Hang-seo.

Trợ lý HLV Lee Young-jin chia sẻ trong cuộc giao lưu ở toà soạn VnExpress chiều 5/7. Ảnh: Giang Huy
"Tôi muốn cầu thủ Việt Nam phát triển hơn, kiếm được nhiều tiền hơn để báo hiếu gia đình".

- Đã bao lâu rồi ông chưa về Hàn Quốc thăm gia đình?

- Tôi mới về Hàn Quốc tổ chức đám cưới cho con trai trưởng hồi tháng 6. Ngay sau đó HLV Park Hang-seo về nước, nên tôi trở lại Việt Nam.

- Gia đình cảm thấy thế nào về cuộc sống của ông ở Việt Nam?

- Bên này tôi sống một mình, còn vợ và hai con trai vẫn ở Hàn Quốc. Ở quê nhà, tôi còn mẹ và chị gái. Họ không quá lo lắng về tôi. Nhưng là gia đình nên mọi người vẫn thường hỏi thăm về mấy chuyện kiểu như ăn - ngủ - nghỉ, sinh hoạt thế nào... vậy thôi.

Hồi trước Covid-19, vợ con từng sang Việt Nam thăm tôi. Chúng tôi cùng nhau đi Vịnh Hạ Long. Cả nhà đều thích ẩm thực Việt Nam. Vợ tôi ấn tượng nhất với phở, còn khoái khẩu của tôi là bún chả. Tôi cũng thích cà phê Việt Nam lắm, nhất là nâu đá. Hôm vừa rồi đi Nha Trang, tôi tranh thủ mang về một đống.

- Ông mất bao lâu để thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam?

- Tôi đến Việt Nam vào mùa đông (cuối 2017), và đã không hình dung được ở đây lạnh đến thế. Thứ đầu tiên tôi phải mua là một cái chăn điện. Tôi cảm nhận rõ thế nào là "lạnh thấu xương, thấu thịt". Tôi cứ nghĩ Việt Nam là đất nước ở vùng nhiệt đới, nắng nóng, chứ không nghĩ lạnh đến thế. Ra đường thấy ai cũng mặc áo phao, áo bông. Ở Hàn Quốc cũng lạnh, nhưng nhà cửa bên đó thường có hệ thống sưởi bên trong. Ở Việt Nam thì không. Những ngày đầu tiên thực sự tôi mất ngủ. Cho nên, tôi mất nhiều thời gian để thích nghi nhất là cái lạnh ở Hà Nội.

Còn mùa hè lại quá nóng. Hôm 4/7 vừa rồi, tôi từ Đà Nẵng bay ra, và dễ dàng cảm thấy sự chênh lệch về độ ẩm ở Hà Nội. Nó làm tôi khó thở. Nhưng dù gì, tôi vẫn thích mùa hè hơn.

- Gần năm năm qua, ông ấn tượng nhất với cầu thủ nào của Việt Nam?

- Tôi không có tiêu chí để đánh giá riêng các cầu thủ. Mọi cầu thủ đều phải có lý do xứng đáng để có mặt ở đội tuyển. HLV Park và tôi luôn nhấn mạnh rằng tập thể là quan trọng nhất. Tất nhiên mỗi cá nhân phải tiến bộ, nhưng tổng hoà thì làm thế nào để tập thể tiến bộ mới là điều chúng tôi quan tâm.

- Nhưng có lẽ, ông cũng dành sự ưu ái nhất định cho ai đó, như Công Phượng chẳng hạn. Có lần, trong lúc đội tuyển đợi máy bay, ông đã đưa một quyển sổ và dạy riêng cho Công Phượng cách di chuyển trên sân?

- Tôi cố gắng giúp đỡ để mọi cầu thủ cải thiện. Bóng đá đôi khi cần minh hoạ cụ thể bằng hình ảnh, nên tôi giúp Công Phượng như thế. Tôi muốn những đóng góp bé nhỏ của mình có thể giúp các cầu thủ tiến bộ.

- Vậy còn việc Đức Chinh được gọi là "con trai của thầy Lee"?

- Đúng, cá nhân tôi thương quý Đức Chinh. Theo tôi biết, cậu ấy sống với mẹ và em gái. Thấy hoàn cảnh khó khăn như vậy nên tôi quý mến, muốn cậu ấy phát triển hơn nữa, kiếm được nhiều tiền hơn nữa để lo cho gia đình.

Cá nhân tôi, với tư cách yêu bóng đá, tôi rất quý cầu thủ Việt Nam. Tôi không muốn mọi người nghĩ tôi thiên vị ai đó, cảm thấy ai đó đặc biệt. Tôi chỉ muốn cầu thủ Việt Nam phát triển hơn, kiếm được nhiều tiền hơn để báo hiếu gia đình.

"Cầu thủ Việt Nam phải tự tin, rồi mới tính tiếp đến chuyện chuyên môn".

- Khi là cầu thủ chuyên nghiệp, ông là một tên tuổi lớn ở Hàn Quốc, từng cùng đội tuyển quốc gia dự hai kỳ World Cup 1990 và 1994. Đâu là "vũ khí" sở trường của ông?

- Đó là việc tôi tự tin vào bản thân, và luôn trăn trở làm thế nào để chiến thắng. Tôi thua kém các đối thủ về thể hình, thể lực, nhưng luôn nghiên cứu các phương pháp để bù đắp khuyết điểm đó và giành chiến thắng.

Tôi thuận chân phải nhưng sử dụng được cả chân trái. Điều này do tôi tự tập luyện để hoàn thiện bản thân. Có những buổi tập tôi chỉ sử dụng chân trái. Khi là cầu thủ, tôi đá tiền vệ phòng ngự. Nhưng vị trí nào cũng có sức hút riêng. Tôi nghiên cứu nhiều về cả tấn công và phòng ngự, đặc biệt là phòng ngự.

- Đời cầu thủ luôn mơ được dự World Cup. Trải nghiệm của ông đối với giải đấu đó thế nào?

- Lần đầu được gọi dự World Cup vào năm 1990, tôi rất tự hào khi được đại diện cho đất nước. Bố mẹ tôi cũng rất tự hào vì tôi. Tôi cảm giác mình như báo hiếu được cho bố mẹ, những người đã chăm lo cho tôi suốt thời gian dài sự nghiệp.

Tại Italy 1990, tôi lần đầu nhận ra kinh nghiệm quan trọng như thế nào với một cầu thủ bóng đá. Trước đó, tôi cứ nghĩ mình giỏi giang khi thường xuyên thi đấu ở giải quốc nội. Nhưng khi đến với World Cup, tôi cảm giác mình như ếch ngồi đáy giếng, khi không thể thích nghi với không khí và CĐV tại nước ngoài. Không chỉ riêng tôi, có lẽ cầu thủ nào cũng "sợ" như thế. Mỗi khi ra sân, đầu óc tôi trống rỗng. Đó là thời điểm tôi sợ hãi nhất trong đời cầu thủ.

Đến World Cup 1994, lúc đó tôi hơn 30 tuổi và vừa phẫu thuật đầu gối, nhưng tôi chơi tốt hơn vì đã học được nhiều thứ. Dù vậy, kết quả tại Mỹ năm đó cũng không tốt, Hàn Quốc bị loại sau khi hoà Tây Ban Nha 2-2 và thua Đức 1-3 ở vòng bảng. Tôi vẫn tiếc, bởi nếu trận Tây Ban Nha, chúng tôi chơi tốt hơn một chút, đội tuyển đã có thể tiến xa hơn.

- Kinh nghiệm dự World Cup được ông truyền đạt thế nào cho các cầu thủ Việt Nam khi họ dự vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á vừa qua?

- Khi các cầu thủ Việt Nam bước vào vòng loại cuối cùng, tôi luôn nói với họ hãy tin tưởng bản thân. Thực sự, nhiều cầu thủ đã hồi hộp trước khi lâm trận. Chúng tôi phải cố gắng khích lệ họ. Bản thân cầu thủ phải tự tin trước, rồi chúng tôi mới có thể khuyên nhủ tiếp về chuyên môn.

- Tại sao ông chọn nghiệp huấn luyện sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ?

- Từ hồi còn là cầu thủ, tôi đã ước muốn trở thành HLV. Khi thi đấu, tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu những điều cần thiết để có thể trở thành HLV sau khi giải nghệ. Tôi là cầu thủ của CLB Anyang (tiền thân của FC Seoul) suốt 10 năm. Rồi tôi sang Nhật Bản một năm rưỡi để học ngôn ngữ và nghiên cứu thêm về bóng đá. Sau đó, FC Seoul mời tôi về làm HLV. Tôi nhận lời ngay, vì nó giống như tôi quay về ngôi nhà của mình.

"Sự tin tưởng là lý do để tôi và HLV Park đi cùng nhau đến tận bây giờ".

- Vì sao đang là HLV trưởng có tiếng tăm ở Hàn Quốc, ông lại chấp nhận sống xa gia đình, đến vùng đất xa lạ và khắc nghiệt như Việt Nam để làm trợ lý của HLV Park?

- Trước khi đến, quả thực tôi cũng không biết nhiều về bóng đá Việt Nam. Thời còn là cầu thủ, tôi từng đối đầu với một số đối thủ từ Đông Nam Á, như Thái Lan hay Malaysia. Nhưng với bóng đá Việt Nam, thì tôi mù tịt. Lý do chính tôi đến đây chỉ là HLV Park. Chúng tôi quen nhau lâu lắm rồi, từ thời còn là cầu thủ, cùng tham dự nhiều trận đấu. Sau này, khi tôi còn thi đấu, Park đã chuyển sang làm HLV. Vì những tình cảm, quan hệ thân thiết đó, tôi không do dự nhiều khi được Park mời.

- HLV Park từng nói "Lee Young-jin như bộ não của tôi", vậy công việc cụ thể của ông ở các đội tuyển Việt Nam là gì?

- Nhiệm vụ của tôi là hỗ trợ HLV Park. Tôi luôn trăn trở rằng 'mình phải làm gì để giúp ích cho HLV Park'. Phân tích đối thủ, lên kế hoạch chiến thuật... không phải việc của riêng tôi, mà của các trợ lý khác nữa. Tất nhiên, tôi cũng tham gia ý kiến, đưa ra các lời khuyên, gợi ý cho HLV Park.

- Nhiều trợ lý người Hàn Quốc đến rồi đi nhưng ông vẫn gắn bó với HLV Park, nguyên nhân gì tạo ra điều đó?

- Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau. Tôi hiểu Park nhất, và ông ấy cũng hiểu tôi nhất. Sự tin tưởng ấy là lý do để chúng tôi đi cùng nhau đến tận bây giờ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có chung triết lý, đó là "bóng đá phải thắng".

Khi làm việc cũng không tránh khỏi bất đồng, như việc tuyển chọn cầu thủ, đánh giá đối thủ... Tuy nhiên, quyết định cuối cùng đều thuộc về HLV Park. Ông ấy là một người biết lắng nghe, chấp nhận dung nạp các ý kiến khác. Vì vậy, khi ông ấy ra quyết định cuối cùng, chúng tôi luôn tuân theo.

- Chung triết lý bóng đá chiến thắng, nhưng Việt Nam cũng phải nhận không ít thất bại đau thương thời gian qua. Những lúc đó, ông và HLV Park nói gì với nhau?

- Khi thua, HLV Park và tôi đều đau lòng bởi bản tính chúng tôi là những người có máu ăn thua, háo thắng. Nhưng làm trong lĩnh vực này, dù không muốn bạn vẫn phải biết chấp nhận thực tế đó. Có một định nghĩa thế này: Bóng đá là sự chuẩn bị của bạn cho trận tiếp theo. Dù đau lòng, chúng tôi vẫn phải nhìn nhận lại thất bại để rút ra kinh nghiệm, hướng đến trận tiếp theo.

Trợ lý HLV Lee Young-jin
 
 
*Trợ lý HLV Lee Young-jin và những khoảnh khắc ấn tượng với bóng đá Việt Nam.

- Ông vốn nóng tính, nhưng trong các trận đấu thường phải căn ngăn khi HLV Park phản ứng trọng tài, đối thủ... Ông làm thế nào để thay đổi bản thân như vậy?

- Thực ra, tôi vẫn nóng tính. Nhưng tôi và HLV Park đồng hành mấy chục năm nên rất hiểu nhau. Việc chúng tôi can ngăn lẫn nhau là điều bình thường. Mỗi khi HLV Park nổi nóng, tôi chạy đến và bảo: "Anh dừng lại đi, để tôi giải quyết". Còn ngược lại, khi tôi phản ứng gay gắt, ông ấy sẽ can ngăn: "Thôi chú vào trong, để chuyện đó cho anh".

- Ông có nhận được lời mời nào khác trong thời gian làm việc ở Việt Nam?

- Tôi còn hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nên chưa tiếp nhận lời mời nào. Chúng tôi đang chuẩn bị cho AFF Cup 2022. Tôi chỉ muốn tập trung vào công việc của mình. Đến khi gần hết hợp đồng, tôi mới để ý đến những lời mời xung quanh. Không ai nói trước được tương lai. Tôi cũng không biết rồi mình sẽ ra sao, cũng không rõ có đội bóng nào mời hay không.

Gần đây, HLV Park mở lời với tôi về việc làm HLV trưởng đội U23. Tôi rất biết ơn ông ấy vì đã cân nhắc tôi cho vị trí này. Nhưng tôi từ chối, vì lịch trình của tôi không phù hợp. Tháng 6 vừa qua, con trai tôi kết hôn. Nếu tôi nhận công việc ở U23, tôi không thể tham dự những sự kiện quan trọng của gia đình. Là một người cha, tôi không thể vắng mặt những dịp đó. Hơn nữa, tôi không thể đảm đương hai trọng trách cùng lúc, là trợ lý ĐTQG và HLV trưởng U23. Tôi cũng chia sẻ với HLV Park rằng từ bây giờ đến khi hết hạn hợp đồng tôi muốn đồng hành cùng ông ấy ở ĐTQG. Tôi nói với ông ấy rằng "Chúng ta đến Việt Nam cùng nhau thì cũng rời đi cùng nhau".

- Nếu ông được đề xuất kế nhiệm HLV Park ở ĐTQG thì sao?

- Tôi không nói trước được. Khi nào có lời mời, tôi mới suy nghĩ. Tôi gặp HLV Park từ khi rất trẻ, nên ông ấy luôn có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của tôi.

- Gần đây, tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã ra nước ngoài, thi đấu cho đội hạng Hai của Pháp. Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của thương vụ này?

- Khi Quang Hải xuất ngoại, tôi đã nhắn tin: "Chúc mừng cậu, đừng để chấn thương nhé". Cậu ấy cảm ơn tôi, và cũng muốn được tôi trợ giúp khi cần.

Tôi mong nhiều cầu thủ Việt Nam được xuất ngoại và trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài như vậy. Dù Quang Hải thành công hay thất bại, tôi vẫn khen ngợi cậu ấy vì đã dám đương đầu với thử thách, bước ra thế giới.

- Theo ông, Quang Hải cần khắc phục điểm nào để có thể thích nghi với môi trường đó?

- Quang Hải rất thông minh, có khả năng ra quyết định nhanh chóng. Đó là điểm mạnh nhất. Yếu tố thể lực trong bóng đá rất quan trọng, nhưng tôi thấy yếu tố về tư duy đôi khi quan trọng hơn. Điểm mà Quang Hải cần cải thiện là sức mạnh. Một số yếu tố về thể chất hay chiều cao thì khó cải thiện, nhưng điều tôi muốn nói là Quang Hải cần vận dụng hết khả năng của bản thân để tạo ra lợi thế trên sân đấu. Dù thế nào, đừng quá kỳ vọng vào việc Quang Hải thành công mức nào ở Pháp. Hãy để cậu ấy tự nhiên phát triển. Môi trường bóng đá Pháp vốn khắc nghiệt bậc nhất thế giới mà.

Ông Lee bắt đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp năm 1986, từng là tuyển thủ quốc gia Hàn Quốc dự World Cup 1990 và 1994. Năm 1997, ông vừa là cầu thủ, vừa là HLV ở CLB Anyang LG Cheetahs và sau đó là FC Seoul. Năm 2015, ông dẫn dắt Daegu FC tranh tài ở K-League.

Năm 2017, ông nhận lời đề nghị của HLV Park sang Việt Nam. Cùng nhau, họ đã làm nên hàng loạt chiến tích lịch sử như: á quân U23 châu Á, vào bán kết Asiad 18, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022 - khu vực châu Á. Ông được các cầu thủ Việt Nam yêu mến vì sự tận tâm, giỏi chuyên môn và kinh nghiệm.

Lâm Thoả - Nhật Tảo - Nhân Đạt