"Chúng tôi biết công việc của mình cần bắt đầu từ hàng thủ, nơi chúng tôi sẽ đoạt bóng từ đối thủ và bắt đầu những kế hoạch tấn công của mình. Chúng tôi luôn chia việc thế này: Park Hang-seo quan sát tổng thể trận đấu, còn tôi chú trọng vào cách vận hành chiến thuật của đối thủ. Nếu trận đấu đi không đúng ý, tôi sẽ nói cho Park biết cần làm gì để làm khó đối thủ, từ đó những điều chỉnh về nhân sự được đưa ra để ứng phó", Lee Young-jin chia sẻ với tờ JoongAng Ilbo sau khi cùng đội Olympic Việt Nam vào bán kết Asiad 2018. Khi được phóng viên bông đùa, rằng nếu Park Hang-seo đi không đúng hướng, ông sẽ làm gì, Lee cười xoà và bảo: "Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt vào ông ấy".
Hơn một năm làm việc ở Việt Nam, thầy Park đôi ba lần "chệch quỹ đạo". Ở trận đấu Malaysia tại vòng bảng AFF Cup 2018, Lee Young-jin chủ động kéo tay, đẩy Park Hang-seo về cabin huấn luyện nhằm tránh thẻ phạt từ trọng tài. Trước đó, thuyền trưởng tuyển Việt Nam đã phản ứng quyết liệt về cách điều khiển trận đấu của trọng tài chính Turki Al-Khudayr, khi không rút thẻ phạt Malaysia lỗi đá rắn. Nhưng chỉ được vài phút, thầy Park lại bật dậy, chực chờ lao ra sát biên dọc. Phản ứng nhanh không kém, trợ lý Lee khư khư giữ tay HLV 60 tuổi, không cho rời vị trí.
Tinh thần chiến đấu máu lửa của ông Park là điều được người hâm mộ và cầu thủ Việt Nam quý mến, nhưng cũng vì quá nhiệt, ông thỉnh thoảng vẫn bị các trọng tài nhắc nhở. Để tránh rắc rối, Lee Young-jin luôn để tâm tới người đồng hương, bên cạnh việc căng mắt theo dõi diễn biến trận đấu. Việc "giải cứu" Park Hang-seo khỏi điểm nóng, với ông Lee, cũng cấp bách chẳng kém chuyện mổ xẻ chiến thuật đối thủ.
Sự điềm tĩnh còn giúp ích Lee Young-jin rất nhiều trong việc "đọc bài" đối thủ. Ông gạt được sang một bên những câu chuyện ngoài sân bóng để đưa cho Park Hang-seo "những lời khuyên nhanh nhất có thể". Tại vòng chung kết U23 châu Á và Asiad 2018, Việt Nam nhiều lần thay người chính xác, mang về chiến thắng chung cuộc, mà công đầu thuộc về Lee Young-jin.
Rõ ràng, nếu Park Hang-seo là ngọn lửa lúc nào cũng hừng hực cháy, Lee Young-jin lại là dòng nước mát lành. Những tuyển thủ Việt Nam, hơn ai hết, quá rành điều này. Trong hành trình chinh phục AFF Cup 2018, đội trưởng Văn Quyết tâm sự: "Lee Young-jin làm việc vô cùng chi tiết. Điển hình như một pha chống bóng bổng, ông ấy dạy hậu vệ đứng chuẩn bị thế nào cho đúng, thời điểm nào ra quyết định giậm nhảy. Hay nhất là các cầu thủ cảm nhận được cái tâm của ông ấy, muốn dạy cho từng người sự bình tĩnh và tốt dần lên qua từng trận". Không riêng gì Văn Quyết, các tuyển thủ khác đều coi ông Lee là "người hùng phía sau" và dành sự tôn trọng đặc biệt, không chỉ về cách truyền đạt mà còn ở chuyên môn chơi bóng. Hình ảnh quen thuộc trong các buổi tập là trợ lý Lee Young-jin cầm tận tay, chỉ tận chân để điều chỉnh từng tư thế một cho cầu thủ.
Sự lạnh lùng của Lee Young-jin được hun đúc từ trong sự nghiệp lẫy lừng của ông. Chơi ở vị trí tiền vệ công nhưng chỉ cao 1m71, khá nhỏ bé so với mặt bằng chung của cầu thủ Hàn Quốc và bóng đá thế giới, Lee buộc phải tìm ra cách chống chọi với những đối thủ luôn cao hơn ông nửa cái đầu. Ở thời mà lối chơi dựa vào sức mạnh chiếm ưu thế, Lee phải học cách che bóng, xử lý một chạm gọn gàng và phán đoán tình huống nhanh nhạy giống như David Silva bây giờ. Trên hết, ông không được phép nổi nóng, bởi chẳng ích gì khi tranh chấp trực diện với những đối thủ lực lưỡng.
Khác với sự nghiệp bình thường của Park Hang-seo, Lee nổi đình đám trong làng bóng đá Hàn Quốc, và là trụ cột của đội tuyển đầu thập niên 1990. Lee Young-jin đá chính ngay trận mở màn của Hàn Quốc gặp Bỉ tại vòng bảng World Cup 1990. Bốn năm sau, ông có tên trong đội hình xuất phát của Hàn Quốc ở cả ba trận vòng bảng World Cup 1994. Xứ kim chi có bước đột phá ở giải đấu trên đất Mỹ khi cầm hòa Bolivia 0-0, và nhất là buộc Tây Ban Nha chia điểm dù dẫn trước hai bàn. Đối đầu với những tượng đài của bóng đá thế giới như Fernando Hierro hay Luis Enrique..., Lee chẳng mảy may sợ hãi. Ông được HLV Kim Ho đặc biệt tín nhiệm và giữ lại sân tới khi hết giờ.
Việt Nam đang có lứa thế hệ vàng, với tuyến giữa gồm nhiều tiền vệ dạng cây kim, như Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Đức, Công Phượng... Họ hưởng lợi trực tiếp từ Lee Young-jin, về cách làm thế nào để tấn công vào những không gian hẹp. Về kỹ thuật, cầu thủ Việt Nam không thua, thậm chí nhỉnh hơn so với những đối thủ tới từ nhiều nơi ở châu Á. Cái họ cần là cách di chuyển, chờ cơ hội, và phối hợp. Họ cũng được dạy làm thế nào để giữ trái bóng trước sự vây ráp của đối thủ cao lớn, một bài học thuộc dạng "vỡ lòng" mà Lee dằn túi khi trở thành ngôi sao bóng đá Hàn Quốc.
"Lee Young-jin là bộ não của tôi. Trong quá trình chuẩn bị cho các giải đấu, tôi thường có nhiều vấn đề không thể tự giải quyết. Rất may có Lee Young-jin lên ý tưởng, để tôi chỉ phải là người quyết định thực hiện hay không và ở thời điểm nào", HLV Park Hang-seo nói về trợ lý số một của ông tại Việt Nam.
Lee Young-jin sang Việt Nam vì nể Park Hang-seo. Một lãnh đạo VFF từng xác nhận điều này với VnExpress: "Ông ấy đến đây không phải vì tiền, bởi có hàng triệu đôla tích luỹ được khi còn thi đấu, đồng thời nhận được không ít đề nghị từ các đội bóng Hàn Quốc. Lee tới Việt Nam vì nể Park Hang-seo, do trước đây từng cùng nhau là một ekip ăn ý".
Lee Young-jin cũng thừa nhận khi được Park Hang-seo đề nghị hợp tác trong nhiệm vụ dẫn dắt Việt Nam, ông gật đầu ngay tắp lự mà chẳng lo lắng gì. "Năm 1986, khi tôi bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp ở Lucky-Goldstar Hwangso (tiền thân của CLB Seoul ngày nay), Park đã là một hình mẫu đáng học hỏi tại đó. Chúng tôi chung phòng, duy trì quan hệ tốt đẹp từ đấy tới tận khi ông ấy làm HLV, còn tôi là cầu thủ. World Cup 1994, chúng tôi cùng nhau tới Mỹ dự ngày hội bóng đá thế giới (Lee là tuyển thủ Hàn Quốc khi ấy). Từ ngày ấy, tôi luôn muốn tri ân Park bằng cách chấp nhận mọi thử thách cùng ông ấy", cựu HLV Daegu trải lòng.
Trước khi hai nhà cầm quân Hàn Quốc đến, Việt Nam vận hành với sơ đồ 4-4-2 trong thời gian dài. Tuy nhiên, Park và Lee cùng thống nhất rằng chiến thuật ấy quá mạo hiểm do cầu thủ Việt Nam yếu về giữ cự ly đội hình cũng như áp sát. Họ thử nghiệm một hệ thống mới, sử dụng ba trung vệ, thường là 3-5-2 hoặc 3-4-3. Cùng với trợ lý thể lực Bae Ji-won, bộ ba xứ kim chi sống chung nhà và cư xử với nhau như những thành viên trong một gia đình. Họ đi ăn cùng nhau, và thường bàn các vấn đề chiến thuật khi dùng bữa.
Trên sân tập, mỗi người giữ một vị trí và luôn đảm bảo công việc được thông suốt, không bị chồng chéo. Park Hang-seo quản lý chung, và chuyên trách việc tối ưu thể lực và làm tâm lý cho cầu thủ. Lee Young-jin phân tích chiến thuật và cố gắng chi tiết nhất có thể, hướng dẫn cho cầu thủ. Còn Bae Ji-won, dựa trên những yêu cầu của Park, sẽ đưa ra những giáo án và bài tập cụ thể, tuyến nào ưu tiên sức bền, vị trí nào cần sử dụng nhiều phần thân trên. "Ba người hoà trộn công việc một cách nhịp nhàng, và tạo ra phép màu cho Việt Nam", Goal nhấn mạnh.
Bae đã sang Malaysia để dẫn dắt đội hạng Ba, nhưng Lee vẫn còn ở đó. Mới đây, trên đề xuất của Park Hang-seo, VFF thậm chí quyết định giao đội U22 cho ông dẫn dắt, tham dự SEA Games 2019.
Và câu chuyện sẽ không dừng ở phạm vi một giải đấu. Nó là vấn đề của sự kế thừa và kết nối - những yếu tố vô cùng quan trọng mà những nhà cầm quân Hàn Quốc chung tay tạo ra cho bóng đá Việt Nam thời gian qua.
Thắng Nguyễn